Việc sử dụng internet phục vụ cho kinh doanh, theo ông Mai Xuân Cang, không phải điều gì quá khó khăn như một khách sạn gia đình ở Nha Trang tạo một website, mất khoảng 50 USD/tháng để quảng cáo qua Google Ads đã có thể bán dịch vụ sang Mỹ. Hoặc một công ty gia đình chuyên may áo dài ở TP.HCM cũng có trang mạng bán hàng cho người Việt ở nước ngoài với hình thức thanh toán qua dịch vụ PayPal.
Tuy nhiên, theo đại diện của Intel Việt Nam, trong số hơn 1 triệu hộ kinh doanh cá thể và 500.000 doanh nghiệp vừa và nhọ có rất ít đơn vị biết khai thác hiệu quả của công cụ internet để phục vụ kinh doanh. Chỉ cần 10 - 20% trong số 1 triệu hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam biết cách tận dụng internet cũng có thể đem về hàng triệu USD doanh thu xuất khẩu, ông Cang khẳng định.
Nhận định này cũng tương đồng với báo cáo về tác động của internet đối với các quốc gia mới nổi do Công ty McKinsey & Company vừa công bố. Theo McKinsey, doanh nghiệp tại Việt Nam chưa sử dụng internet để tối đa hóa công suất. "Các công ty không đầu tư mở rộng sự hiện diện trực tuyến của họ, bất chấp sự tăng trưởng về số lượng khách hàng trực tuyến", báo cáo nhận định.
Ngoài ra, theo báo cáo này, các công ty Việt Nam cũng chưa biết tận dụng internet để tiếp cận khách hàng hoặc tiến hành giao dịch. McKinsey ghi nhận sự có mặt trên quy mô nhọ của hình thức thương mại điện tử C2C (hình thức thương mại điện tử giữa những người tiêu dùng với nhau) nhưng hình thức B2C (nhà cung cấp - khách hàng) chưa phát triển do thiếu những cơ sở hạ tầng cho thanh toán trực tuyến
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty CP truyền thông VMG, cho rằng vấn đề thanh toán trực tuyến ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chính vì vậy mà một số doanh nghiệp nước ngoài rất muốn hợp tác với đối tác Việt Nam để cung cấp dịch vụ nhưng người sử dụng trong nước lại không thể thanh toán được, khiến doanh nghiệp phải cung cấp miễn phí, không thu được tiền. Nói cách khác, hạ tầng thanh toán ở Việt Nam vẫn là một rào cản lớn.
trường Sơn
Nguồn tin: Thanhnien