Bất động sản đóng băng lâu dài tạo ra nút thắt góp phần làm suy giảm nền kinh tế. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Tấn Thạnh
Nếu như các năm trước, trung bình số doanh nghiệp (DN) mới thành lập thưọng tăng cao hơn thì năm nay ngược lại. Trong 6 tháng, cả nước chỉ có thêm 36.195 DN được thành lập, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn thành lập DN mới cũng chỉ đạt hơn 232.000 tỉ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Điều khiến doanh nghiệp kiệt lực
Các số liệu được công bố khá u ám khi có tới 4.105 DN giải thể, tăng tới 35,4%; số DN ngừng hoạt động là 22.219, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Lý giải cho hệ quả hàng loạt DN phá sản, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư) vừa đưa ra cảnh báo về 4 nút thắt mới đang cản trở khiến nền kinh tế suy giảm, gồm: thị trường tín dụng đóng băng, thị trường bất động sản lao dốc, tình hình làm ăn kém hiệu quả của DN Nhà nước và nợ xấu tăng cao.
Thứ nhất, về vốn, hầu hết DN Việt Nam đều có vốn chủ sở hữu rất thấp. Trong khi đó, khả năng vay vốn mới tại ngân hàng gần như bằng 0 do nợ quá hạn, nợ xấu tồn đọng quá cao. DN không vay được, hàng không bán được do sức mua kém dẫn đến ngừng sản xuất, phá sản là điều tất yếu. Thứ hai, với bất động sản, sau thời gian tăng trưởng nóng, thị trường chuyển sang đóng băng kéo dài khiến các tài sản cầm cố vay ngân hàng, tài sản của DN bị hạ thấp giá trị. Nhiều DN kiệt lực khi trước đó quá chú trọng vào tài sản này. Thứ ba, với DN Nhà nước, dù gần như độc quyền trong việc sử dụng một số nguồn lực quốc gia nhưng các DN Nhà nước đầu tư sinh lời thấp, thậm chí thua lỗ, gây hạn chế cạnh tranh và thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa vào nhiều lĩnh vực, cần nhanh chóng tháo gỡ. Thứ tư, nút thắt cuối cùng khiến các DN khó thoát cảnh bi đát hiện nay là nợ xấu tăng cao, do thực lực chưa tốt, chủ yếu gia công, ít mặt hàng có thế mạnh nên khi xuất khẩu bị ảnh hưởng, các DN lập tức gặp khó khăn. Tại thị trường nội địa, nhiều sản phẩm nội không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, khi sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều, DN hầu như không còn cách trả nợ ngân hàng.
Phải coi trọng thị trường nội địa
Lấy ý kiến từ các DN, Tổng cục Thống kê đánh giá có 6/11 yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN lớn nhất hiện nay là lãi suất vay vốn, lạm phát cao và biến động thất thưọng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, chi phí vận tải cao, điện cung cấp không ổn định, chính sách điều hành kinh tế không ổn định. Các DN mong được Nhà nước, các bộ, ngành tập trung hỗ trợ, cải thiện các yếu tố: ổn định và hỗ trợ lãi suất vay vốn, cải tiến và tạo điều kiện để tiếp cận vốn thuận lợi hơn, ổn định giá điện, cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu...
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2012 đang đứng trước khả năng không thể đạt chỉ tiêu đề ra và chỉ dừng ở mức cao nhất là 5,7%, nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất cần tập trung hơn để phát triển thị trường nội địa. Với hơn 86 triệu dân và một thị trường tiêu thụ rộng lớn - đây sẽ là cứu tinh cho các DN nếu xác định đúng thị trường trọng điểm. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích chi tiêu của người dân, ưu tiên dùng hàng trong nước, giải ngân nhanh nguồn vốn ngân sách... Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho rằng trước mắt cần tập trung cải thiện "sức khọe" DN, giải quyết nợ xấu, hạ lãi suất cho vay…; giảm thuế thu nhập DN xuống mức 20%, giảm thuế GTGT còn 7%, tạo điều kiện cho DN tư nhân tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn như ODA… đồng thời thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư bình đẳng với DN Nhà nước.
Chi Mai