“90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra ở khu vực nông thôn. Phần đông người bị nạn đều có sử dụng rượu, bia và không đội mũ bảo hiểm” - ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết về tình hình TNGT trong dịp Tết Nguyên đán 2014.
Chết vì rượu, bia
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2014 (từ 28 tháng chạp đến mùng 5 Tết), cả nước xảy ra 458 vụ TNGT, làm chết 212 người, bị thương 481 người. Báo cáo nhận định so với cùng kỳ năm 2013, số vụ TNGT trong dịp Tết năm nay tăng 131 vụ, giảm 57 người chết và tăng 182 người bị thương.
Trên thực tế, số vụ TNGT ở các địa phương có thể lớn hơn nhiều so với báo cáo ban đầu của cơ quan trên. Tại Hà Nội, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức, từ 30 tháng chạp đến mùng 5 Tết, đã tiếp nhận gần 500 ca cấp cứu do TNGT, trong đó 22 trường hợp tử vong. Còn tại Đà Nẵng, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận 157 ca cấp cứu vì TNGT, trong đó 62 trường hợp bị chấn thương sọ não nặng.
Một trong những địa phương có số ca nhập viện cấp cứu vì TNGT cao là TP HCM. Theo số liệu tổng hợp từ các bệnh viện trên địa bàn TP của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, từ 29 tháng chạp đến mùng 4 Tết, các bệnh viện của TP tiếp nhận 1.466 ca cấp cứu do TNGT, với 155 người bị chấn thương sọ não; trung bình mỗi ngày có 250 ca cấp cứu, gần 30 người bị chấn thương sọ não. Hầu hết các bệnh viện xác nhận phần lớn các vụ TNGT trong những ngày Tết là do người điều khiển phương tiện giao thông trong điều kiện say xỉn, uống quá nhiều bia, rượu. Nhiều bệnh nhân khi nhập viện vẫn còn trong trạng thái say xỉn.
Túc trực kiểm tra 24/24
Nhận định về tình hình TNGT trong những ngày Tết, ông Nguyễn Trọng Thái cho rằng số vụ và số người bị thương do TNGT trong dịp Tết năm nay tăng hơn mọi năm là do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê cả số vụ va chạm (trước đây không tính). Điều đáng mừng là nhờ công tác vận tải hành khách đã được làm tốt nên Tết năm nay không để xảy ra tai nạn xe khách. Phần đông các vụ TNGT là ở xe máy và không có nhiều vụ nghiêm trọng, chết nhiều người.
Tuy vậy, theo ông Thái, từ nay tới hết tháng giêng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới TNGT, một phần do người dân còn sử dụng nhiều rượu, bia sau Tết, một phần do có đông người từ các tỉnh trở lại thành phố làm việc, học tập và nhiều lễ hội trên khắp cả nước. “Do vậy, các địa phương không được chủ quan, cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông nhằm ngăn ngừa tối đa TNGT trong những ngày sắp tới” - ông Thái nhấn mạnh.
Theo công điện mới đây của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phải tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát để chống ùn tắc và giảm TNGT tới mức thấp nhất, nhất là ở các điểm ùn tắc, trên các tuyến giao thông Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chỉ đạo từ nay tới hết tháng giêng, cùng với lực lượng CSGT, các địa phương cần huy động lực lượng cảnh sát khác và thanh tra giao thông, công an xã, phường kiểm soát 24/24 giờ trên các địa bàn để ngăn chặn vi phạm, TNGT.
Ngộ độc rượu gia tăng
Tình trạng ngộ độc rượu gia tăng trong những ngày Tết vừa qua. Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trung bình mỗi ngày có khoảng 150 người nhập viện, hầu hết bị ngộ độc nặng với các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa và tim mạch. Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, ít nhất có 5 trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu cấp, trong đó 1 trường hợp đã tử vong. Nạn nhân uống quá nhiều rượu trong 3 ngày Tết, bị rối loạn tri giác, tổn thương não, huyết áp tụt sâu, tổn thương gan, thận không thể cứu chữa.
TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tỉ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng đáng kể trong những ngày Tết và có thể tới đây sẽ còn tăng. Nguyên nhân do người dân uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không có nguồn gốc rõ ràng hoặc rượu được pha bằng cồn công nghiệp.
N.Dung
Nguồn tin: NLĐ Online