Trong bài báo đăng trên trang nhất tờ New York Times ngày 4.2, Tổng thống Aquino kêu gọi các nước ủng hộ Philippines chống lại yêu sách hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.
Ông Aquino nhắc tới việc năm 1938, Anh và Pháp đồng ý nhượng vùng Sudetenland (lúc đó thuộc Tiệp Khắc) cho Đức quốc xã, song chiến tranh thế giới vẫn nổ ra.
Ông Aquino nói, giống như Tiệp Khắc, Philippines đang đối mặt với yêu sách lãnh thổ từ một nước hùng mạnh hơn rất nhiều, do đó cần sự ủng hộ của các nước để duy trì luật pháp quốc tế.
"Nếu chúng ta nói "có" với điều mà chúng ta tin là sai, lấy gì đảm bảo trong tương lai sẽ không có nhiều vấn đề trầm trọng hơn nữa? Đến khi nào quý vị mới phát biểu: Thế là đủ rồi?" - ông Aquino kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới không để sai lầm lần nữa xảy ra.
Philippines nhiều lần tố cáo Trung Quốc đơn phương khẳng định chủ quyền biển Đông và cũng nhiều lần cảnh báo Manila không thể một mình đương đầu với người láng giềng hùng mạnh này.
Trong khi đó, Tân Hoa xã viết rằng, các nhận xét của Tổng thống Aquino "cho thấy bản chất của ông ấy là một chính trị gia không chuyên, thiếu hiểu biết về cả lịch sử và thực tế".
Trước đó, báo chí Trung Quốc cũng đã đấu khẩu với một số nước khác về vấn đề chủ quyền. Tại Diễn đàn kinh tế Davos tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gây tranh cãi khi nói Trung Quốc và Nhật Bản đang trong tình trạng giống như Đức và Anh trước Thế chiến I.
Ông Abe nói rằng quan hệ thương mại phát triển không ngăn cản được chiến tranh nổ ra. Ông cũng chỉ trích việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số và cho rằng đây là nguồn gây bất ổn ở trong khu vực.
Tân Hoa xã lập tức gọi ông Abe là "vị thủ tướng đáng xấu hổ".