Nông nghiệp và “bài toán” vùng nguyên liệu tập trung

Chủ nhật - 19/06/2016 22:30 1.230 0
Việc phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng cây, đa con đã và đang là lựa chọn của đa số nông dân trên địa bàn tỉnh nhằm tìm giải pháp an toàn cho phát triển. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ hội nhập, chính sự phát triển thiếu tính tập trung này lại đang là điểm yếu dẫn đến một số sản phẩm có nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” do không đáp ứng được yêu cầu khá khắt khe về vùng nguyên liệu.

Lãnh đạo các đoàn ngoại giao nước ngoài tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông tại Hội nghị gặp gỡ các địa phương, ngoại giao đoàn ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Bước cản khi ra “biển lớn”

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Nam Hà, ở thôn 11, xã Nam Dong (Chư Jút) từ lâu đã được nhiều người biết đến bởi hướng làm ăn khá mới và hiệu quả. Hiện nay, các thành viên hợp tác xã (HTX) chủ yếu là những hộ nông dân nghèo đã góp đất, chung vốn trồng cây dược liệu.

Ngoài trồng dược liệu, HTX đã đón đầu hội nhập bằng việc đầu tư máy móc để sấy, tinh chế tinh dầu thảo dược bán ra thị trường. Ngay lập tức, những chai tinh dầu chiết xuất từ thảo dược khi chào hàng tại một số nước trên thế giới đã tạo được ấn tượng tốt. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp các nước đã trực tiếp về HTX để khảo sát, tính chuyện hợp tác làm ăn lâu dài.

Tuy nhiên, khi các đối tác nước ngoài đến khảo sát đều “lắc đầu” vì sản phẩm chưa chứng minh được vùng nguyên liệu tập trung. Trong khi, đây là một trong những điều kiện bắt buộc đối với các đối tác nước ngoài.

Ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà cho biết: “Lợi thế của HTX là đã chọn được hướng đi phù hợp, đó là phát triển các dòng cây dược liệu quý, sản phẩm này đang ngày càng khan hiếm trong môi trường tự nhiên. Từ trồng cây dược liệu, bình quân mỗi ha đất sản xuất của các xã viên cho thu nhập khoảng 150 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, cái bất lợi lớn nhất của HTX là diện tích đất của các xã viên manh mún, thiếu tập trung nên rất khó đưa máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đồng bộ. Đây cũng là bước cản hiện nay khi HTX chủ động vươn ra thị trường thế giới. Trong thời kỳ hội nhập, tôi biết nếu mình không đi trước một bước thì sẽ có những doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh. Lúc đó, chắc chắn những HTX như chúng tôi sẽ “thua ngay trên sân nhà” vì tính cạnh tranh của sản phẩm thấp. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh có chủ trương cho HTX thuê một diện tích đất khoảng 5 đến 10 ha để sản xuất nguyên liệu tập trung, chế biến sâu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới”.

Không chỉ HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà, câu chuyện kêu gọi đầu tư cách đây hơn 1 năm của huyện Đắk R’lấp cũng là ví dụ cho sự thất bại do hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Quá trình kêu gọi đầu tư, sau khi nắm được các thông tin về diện tích, sản lượng cũng như những điều kiện khác về phát triển cây ca cao trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, một nhà đầu tư nước ngoài đã rất ấn tượng và quyết định về địa phương để khảo sát, tìm hiểu, tính chuyện xây dựng nhà máy chế biến ca cao ngay tại địa bàn huyện.

Tuy nhiên, qua khảo sát, doanh nghiệp này đành phải rút lui vì mặc dù đáp ứng đủ về diện tích, sản lượng theo yêu cầu nhưng cây ca cao lại được người dân trồng theo hình thức xen canh, không tập trung nên chi phí thu mua cao, khó kiểm soát về xuất xứ, chất lượng…

Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đang gặp khó trong chứng minh xuất xứ vùng nguyên liệu tập trung và hạ giá thành để đưa sản phẩm tinh chế ra thị trường thế giới.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham quan vườn gấc của Hợp tác xã Nam Hà (Chư Jút)

Bất lợi về sức cạnh tranh

Tại hội nghị gặp gỡ các Địa phương - Ngoại giao đoàn khu vực Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột mới đây, nhiều diễn giả nước ngoài cho biết chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở Tây Nguyên đã thực sự làm hài lòng thị trường thế giới nhưng cái bất lợi lớn nhất khi doanh nghiệp vào thị trường này vẫn là quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung. Đây là nỗi lo ngại của các doanh nghiệp về tính ổn định và giá thành đầu vào sản phẩm.

Huyện Chư Jút từng được xem là “thủ phủ” của cây bông. Thế nhưng đến nay, loại cây thế mạnh này đã gần như bị xóa sổ. Nguyên nhân là do diện tích trồng bông trên địa bàn theo dạng manh mún, nhỏ lẻ, không đưa được máy móc vào chăm sóc, thu hái mà chủ yếu sản xuất theo hình thức thủ công nên giá thành rất cao, không cạnh tranh nổi với các vùng trồng bông khác.

Gần đây nhất, Công ty Mía đường Đắk Nông cũng đang lao đao vì không xây dựng được nguồn nguyên liệu tập trung đủ để cung cấp cho dây chuyền sản xuất đường… Chưa nói đến, các sản phẩm chủ lực khác như cà phê, hồ tiêu ở Đắk Nông cũng chưa hình thành được nhiều cánh đồng mẫu lớn để đồng nhất về giống, xuất xứ, xác lập và xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Từ đây, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông, nhất là sản phẩm sau chế biến đang có nhiều bất lợi về tính cạnh tranh khi ra thị trường thế giới.

Có thể thấy, không phải đến bây giờ mà nhiều năm trước, vấn đề vùng nguyên liệu tập trung đã được nhiều người quan tâm với mong muốn xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bền vững cho ngành  nông nghiệp, hướng chế biến sâu, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó việc chậm quy hoạch vùng, tái cơ cấu ngành, thay đổi tư duy, cách thức canh tác của người dân và thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa chính người dân, doanh nghiệp khiến lời giải cho “bài toán” về xây dựng các vùng sản xuất tập trung vẫn còn bỏ ngõ.

Bài, ảnh: Đức Diệu

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: phát triển
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay896
  • Tháng hiện tại69,606
  • Tổng lượt truy cập41,353,806
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây