Trang thông tin điện tử Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Júthttps://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/uploads/favicon-touch.png
Thứ ba - 18/06/2013 01:031.2190
Vấn đề về chủ quyền của luật đất đai và những quy định về việc thu hồi đất
Trong luật Đất đai 2003 có 2 cơ chế thu hồi đất, cơ chế thứ nhất là do nhà nước đứng ra thu hồi đất, tiến hành giải phóng mặt bằng. Cơ chế thứ hai là doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, bồi thường. Trong khi đó muốn xây dựng các trường học tư thục từ mẫu giáo mầm non đến đại học, các trường dạy nghề tư nhân, làm bệnh viện tư, xây dựng các khu văn hóa trung tâm thể dục thể thao các Nhà đầu tư (doanh nghiệp tư nhân) phải tự thỏa thuận với người dân, nếu người dân không đồng thuận với mức đền bù thì đành chịu không thể nào triển khai dự án được, Nhà nước không thể cưỡng chế thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, nếu thực hiện vi phạm luật. Đây chính là nguyên nhân vì sao chủ trương xã hội hóa tại rất nhiều địa phương vẫn chỉ nằm trên giấy.
Thực tế sau bốn năm từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định 69/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, những nội dung quan trọng của nó vẫn chưa đi vào cuộc sống. Trên thực tế, việc khuyến khích, ủng hộ chủ trương xã hội hóa tại rất nhiều địa phương vẫn chỉ nằm trên giấy, vì nhà nước không có đất sạch để giao cho nhà đầu tư. Đất đai hiện nay thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, trong khi đó lại giao cho doanh nghiệp tư nhân tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, sau đó Nhà nước làm thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất đối với các doanh nghiệp. Đây chính là điều bất cập trong cơ chế chính sách, dẫn đến người dân khiếu kiện đông người kéo dài trong những năm qua, đến nay cũng chưa được giải quyết dứt điểm, khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.
Hiện nay hàng năm các địa phương xây dựng giá đất phục vụ cho hai mục đích là giá đền bù cho thu hồi đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương và cũng là giá khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Khi áp dụng cho đền bù thì người dân kêu là giá đền bù quá thấp phải theo giá thị trường, khi giao đất có thu tiền sử dụng đất cũng là giá đó, thì người dân cho rằng giá quá cao không có khả năng nộp đề nghị nhà nước xem xét miễn giảm. Chính vì vậy cũng là khó khăn hiện nay của các Nhà đầu tư trong xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa.
Về giá đền bù đây là vấn đề nhạy cảm người bị thu hồi đất thắc mắc khiếu nại rất nhiều, người dân không hiểu khi thu hồi đất có nhiều lọai đất khác nhau như đất khu dân cư, đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất vv…do vậy giá đền bù các lọai đất khác nhau.Các địa phương cũng rất khó khăn trong việc vận động tuyên truyền với các hộ dân bị thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; vì nếu dự án địa phương thu hồi theo quy định pháp luật thì áp giá đền bù theo giá đất hàng năm được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, còn các dự án khác do các doanh nghiệp chủ đầu tư thì theo giá thỏa thuận với người dân, do đó trên khu vực đất gần nhau nhà nước thu hồi làm công trình công cộng thì giá thấp hơn do các tổ chức khác thỏa thuận, vì vậy các hộ thắc mắc.
Qua các đơn khiếu nại về đất đai người dân đòi hỏi phải công bằng và đề nghị đền bù phải theo giá thị trường, tuy nhiên, làm thế nào để xác định được giá thị trường và làm thế nào để xác định "sát với giá thị trường" là điều không đơn giản, đây là vấn đề khó, chính vì vậy mấy năm qua các địa phương vấp phải không giải thích thuyết phục được với các hộ dân, liên tục gửi đơn vượt cấp. Đất đai hiện nay thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, đồng tình quan điểm của Ủy Ban kinh tế của Quốc hội “Bảo lưu” quy định thu hồi đất thực hiện dự án kinh tế xã hội, và tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý cho Dự luật Đất đai sửa đổi ngày 24.4, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển - khẳng định: “Yêu cầu quỹ đất cho phát triển KTXH là tất yếu”; do vậy cần thống nhất một cơ chế thu hồi đất nhà nước đứng ra thu hồi đất, tiến hành giải phóng mặt bằng.
Chính phủ nên tiếp tục quy định khung giá đền bù chung cho cả nước, hoặc ủy quyền UBND các tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương xây dựng giá đất. Trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vận dụng, xây dựng giá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương sát với giá thị trường, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để triển khai, trước khi thông qua Hội đồng nhân dân Ban kinh tế ngân sách cấp tỉnh cần tham khảo đơn vị có chức năng thẩm định giá được nhà nước cho phép hành nghề, làm thế nào xác định giá đất hết sức khách quan để không thiệt cho người dân. Về giá đất được HĐND Tỉnh thông qua nên thực hiện áp dụng thời gian từ 3 năm trở lên để mang tính ổn định lâu dài khi triển khai một dự án lớn, nếu hàng năm phải điều chỉnh giá đất như hiện nay, thì người nhận đền bù trước sẽ khiếu kiện vì người nhận đền bù năm sau giá đền bù sẽ cao hơn năm trước. Nếu các địa phương không có nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng tạo qũy đất sạch, có thể cho phép các nhà đầu tư ứng trước kinh phí để giải phóng mặt bằng và được trừ vào tiền thuê đất theo quy định của luật đất đai, có như vậy mới thúc đẩy chủ trương xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, sớm đi vào cuộc sống.