Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư, hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ. Ngoài ra, mướp đắng còn có các tác dụng dược lý sau:
- Chống các gốc tự do là nguyên nhân gây lão hóa và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, tiểu đường...
- Tăng ôxy hóa glucose, ngăn chặn sự hấp thu glucose vào tế bào, ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucose.
- Có tác dụng sinh học giống insulin, giúp cơ thể tăng tiết insulin, rất tốt với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Trong khi đó, khổ qua rừng rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường. Khổ qua rừng mọc tự nhiên ở nhiều vùng rừng núi nước ta. Theo y học cổ truyền, khổ qua rừng có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, trừ phiền, trừ đờm, cắt cơn ho trong bệnh phổi...
Dân gian từ lâu đã lấy lá non khổ qua rừng làm rau ăn, toàn thân rễ lá làm thuốc trấn ban cho phụ nữ thời kỳ sinh nở. Nước sắc dây khổ qua rừng có tác dụng giải độc, dùng phòng trừ bệnh uốn ván cho phụ nữ sau khi sinh hoặc sẩy thai.
Khổ qua rừng có thể dùng cả dây, rễ, lá, quả rửa sạch, phơi khô, sắc uống. Có thể uống lâu dài, hoàn toàn không kỵ thuốc tây. Dùng cả trái khổ qua rừng chế biến nhiều món ăn càng tốt, giúp ổn định đường huyết.
Khổ qua rừng rất tốt cho sức khỏe. Gần đây, ở một số nơi, người ta đem khổ qua rừng về đồng bằng trồng thành sản phẩm thương mại như một loại sau sạch tự nhiên. Khổ qua rừng rất dễ trồng, lấy hạt về gieo tự nhiên, có nước là cây lên rất tốt. Đọt khổ qua rừng đã thành món đặc sản ở các nhà hàng. Người ta có thể chế biến lẩu cá chép, mè, diêu hồng, tôm nấu đọt khổ qua rừng. Riêng cá rô đồng nấu với đọt khổ qua rừng là món nên thuốc đặc biệt.
Các món nấu với đọt khổ qua rừng có vị đắng, ban đầu hơi khó ăn nhưng dùng quen cảm thấy ngon tuyệt. Hiện nay, chợ cũ Long Khánh, tỉnh Đồng Nai mỗi sáng đều có nhiều người bán đọt khổ qua rừng với giá hơn 15.000 đồng/kg, trong khi mỗi bó rau muống chỉ khoảng 2.000 đồng, đủ thấy “danh tiếng” của vị thuốc khổ qua rừng.
Bệnh tiểu đường rất phức tạp, người bệnh phải sống chung với nó suốt đời, kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh này có thể dùng thử thuốc nam (như khổ qua rừng, dứa, nụ vối hay vài loại thuốc khác) nhưng phải có bác sĩ chuyên khoa về tiểu đường theo dõi định kỳ, kiểm tra đường huyết. Nếu dùng thuốc nam không hiệu quả, phải sử dụng thuốc tây để kéo giảm đường huyết, sau đó dùng thuốc nam điều trị hỗ trợ.