Thủ tướng Angela Merkel tặng bản đồ Trung Quốc cổ không có Hoàng Sa, Trường Sa 
cho Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 28.3.2014. 

Mối quan tâm chung

Trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEM 10 là cuộc họp không chính thức lần đầu tiên ASEAN - EU do Việt Nam và EU đồng chủ trì. Trong hàng loạt vấn đề khu vực và thế giới mà hai bên trao đổi có vấn đề Biển Đông. Tương tự, trong các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam tới Bỉ, EU, Đức và bên lề ASEM, gặp gỡ song phương với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Italia, Thủ tướng Nhật Bản, vấn đề Biển Đông cũng đều được đề cập. Trong hội đàm với Chủ tịch EU Manuel Barroso, hai bên cùng nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Quan điểm của Chủ tịch EU cũng là điều mà nhiều lãnh đạo EU phát biểu: Ông Barroso đã khẳng định lại lập trường của EU ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kêu gọi các bên liên quan không tiến hành các hành động đơn phương gây phương hại cho hòa bình, ổn định ở khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

ASEM 10 không có một chương trình nghị sự cố định, các vấn đề thảo luận được đưa ra theo đề xuất và quan tâm của các bên, nhưng có thể thấy, ngay từ trước khi ASEM 10 thảo luận về các vấn đề an ninh, Biển Đông đã trở thành mối quan tâm chung của cả hai lục địa và không thể không đưa vào thảo luận trong ASEM. Mối quan tâm này đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định trước hội nghị cấp cao: “Đức rất quan tâm có một con đường hàng hải tự do và an toàn. Chính vì vậy chúng tôi thường xuyên nói về vấn đề này trong phạm vi song phương và tại khu vực Liên minh châu Âu, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các bên giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình và các quốc gia thực thi đúng các cam kết quốc tế của mình”. Bà Merkel nhấn mạnh: “Không chỉ có Đức, mà nhiều nước trong Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ trao đổi vấn đề này tại Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 10 để tạo được con đường hàng hải tự do, an ninh, an toàn...”.

Trong khi các nước Châu Âu và Châu Á khác nêu lên vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc cũng không thể né tránh. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 16.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, luôn mong muốn xử lý thỏa đáng các vấn đề khó khăn phát sinh trong quan hệ hai nước. Tất nhiên, người ta đã luôn thấy có một khoảng cách từ lời nói đến hành động của Trung Quốc.

Thực tế không thể thay đổi

Biển Đông là tuyến đường hàng hải quốc tế huyết mạch, chiếm 50% lưu lượng hàng hóa trên biển của thế giới. Do vậy, nguy cơ bất ổn sẽ không chỉ gây thiệt hại cho một vài nước ASEAN hay Đông Á, mà với cả thế giới. Hòa bình, ổn định và an ninh của tuyến hàng không và hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói về các thách thức an ninh mà thế giới đang đối mặt, nếu môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của châu Á - Thái Bình Dương xấu đi “sẽ gây tác động rất tiêu cực và hệ lụy khôn lường đối với cả khu vực và toàn thế giới - còn ngược lại sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc to lớn của tất cả chúng ta”. Thủ tướng đã kêu gọi các quốc gia, khu vực và toàn thế giới nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác bình đẳng và nỗ lực chung của các bên, không thực hiện những chính sách cường quyền áp đặt, thì mới có thể giải quyết những thách thức an ninh chính trị toàn cầu, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Còn nhớ, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Berlin hôm 28.3, Thủ tướng Angela Merkel đã tặng ông Tập một tấm bản đồ cổ Trung Quốc do một nhà xuất bản của Đức in năm 1735. Trong bản đồ không hề có các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Món quà này đã gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội, khiến chính phủ Đức sau đó phải lên tiếng rằng Đức không có ẩn ý gì khi tặng quà và nhấn mạnh đây là một món quà rất giá trị. Cho dù món quà đó có khiến người Trung Quốc không vui, nhưng nó đã chứng minh một thực tế rằng - cũng như nhiều bản đồ Trung Quốc khác được vẽ trong các thế kỷ từ 16 đến 19 đã nói, Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc như cách Trung Quốc nhận vơ “đường lưỡi bò” sau này.

Lần này đã không có tấm bản đồ nào được đưa ra, nhưng Trung Quốc, với đại diện là Thủ tướng Lý Khắc Cường tại ASEM 10, phải lắng nghe những quan ngại của thế giới về những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông lâu nay, để biết rằng sự xâm phạm chủ quyền và xâm phạm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là điều không được thế giới chấp nhận.