Tôi đã cất công xâu chuỗi “nụ cười” từ những chồng guest book còn lưu giữ tại KS Ana Mandara. Cảm xúc trào dâng, đó là lúc ngôn ngữ dường như không đủ sức diễn đạt hạnh phúc trong lòng người.
Năm 1983, lần đầu tiên đến Nha Trang sau khi tốt nghiệp đmại học, ước mơ của tôi là được sống ở thành phố biển. Nhưng, duyên nợ cuộc đời dẫn dắt tôi về Tuy Hòa và gắn bó với thị xã ven cửa sông Đà Rằng đúng 15 năm. Cũng là phố biển nhưng Tuy Hòa đối diện bãi ngang nên quanh năm thừa thãi…gió.
Có nhà thơ đã viết: “Cái gió Tuy Hòa chuyên cần, phóng khoáng…”, tôi luôn nghĩ đó là đặc tính của người dân vùng biển. Đời sống thường nhật ở Tuy Hòa lặng lẽ hơn Qui Nhơn, Nha Trang; mộc mạc hơn Phan Thiết và không phải chịu nhiều chi phối bởi nắng nóng khắc nghiệt như Phan Rang. Năm 1999, hạnh phúc nghề nghiệp đưa tôi trở lại Nha Trang và trở thành công dân của một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Tôi có cảm giác, dải đất miền Trung như mái nhà nghiêng dần từ núi đến biển. Luận ngữ phương Đông có câu: “Người nhân thích núi, người trí thích biển”. Gần 15 năm lập nghiệp tại Nha Trang, tôi nghiệm ra rằng, với biển, dù “nhân” hay “trí”, con người luôn có những khoảng riêng để…trải lòng. Vâng, không nơi nào ở Việt Nam được biển ưu ái, chở che hơn Nha Trang. Dù chiến tranh hay thiên tai, Nha Trang vẫn bình yên trước biển. Phải chăng thiên nhiên trong lành và thơ mộng làm nên tính cách người Nha Trang nhẹ nhàng, thư thái?
|
Một góc Khu du lịch Ana Mandara. Ảnh Bảo Chân. |
Du khách gần xa đều biết Nha Trang là trung tâm du lịch biển tươi đẹp và mát mẻ nhất Việt Nam. “Bay” từ London đến Nha Trang, sau tuần trăng mật ngọt ngào tại Khách sạn Ana Mandara, hai vợ chồng Debbie phấn chấn kể: “Trước khi chọn Nha Trang, chúng tôi chưa có ý định đến Việt Nam. Nhưng, tìm hiểu hơn 100 địa chỉ thông qua ít nhất 10 văn phòng tư vấn lữ hành, tôi nhận thấy Nha Trang khá hấp dẫn, bởi vì thành phố nhỏ bé và yên tĩnh này có không ít địa chỉ lưu trú thuộc loại tốt nhất châu á và thế giới.
Vừa dừng chân ở Ana Mandara, chúng tôi đã được chào đón bằng những nụ cười nồng ấm giành cho người thân trở về sau nhiều ngày xa cách. Cảm giác dễ chịu và tin cậy khiến tôi thực sự hưng phấn. Dường như thời gian ở Nha Trang trôi qua nhanh hơn, chúng tôi dường như không muốn quay lại những điểm du lịch hiện đại, tiện nghi nhưng hiếm gặp nụ cười. Tôi yêu biển, những ngày ở đây, chồng tôi thường nói rằng…biển hẹn chúng ta ở Nha Trang!”
Chao ôi, tôi đã cất công xâu chuỗi “nụ cười” từ những chồng guest book còn lưu giữ tại Ana Mandara. Cảm xúc trào dâng, ngôn ngữ trở nên bất lực - tôi nghiệm ra điều ấy sau nhiều giờ trải lòng với hàng ngàn trang lưu bút của vô vàn du khách đến từ hơn 20 quốc gia. Rất nhiều người đã diễn đạt tình cảm bằng cách ký họa gương mặt của chính mình và những người cùng đi trong đoàn với nụ cười…hết cỡ!
Ấn tượng nhất là “tác phẩm” đầy ngẫu hứng giữa đêm Noel của vị khách tên là Jacy Jamie - bức tranh bút bi vẽ hình những trái tim giữa đường bay, kết nối thế giới với Ana Mandara. Tất thảy dấu cảm thán sau mỗi câu đều được nhân đôi, nhân ba hoặc thay bằng phác họa nụ cười hả hê, thỏa mãn; Jacy Jammie bày tỏ: “Lần đầu đến Việt Nam và 1 triệu lần cám ơn!!!”
|
Ráng chiều trên bãi biển Nha Trang. Ảnh: Lại Khánh |
Ngay từ khi đặt vấn đề “làm ăn” tại Việt Nam, các chuyên gia của những tập đoàn quản lý du lịch nổi tiếng như Accor, Sixsens… đã phát hiện: “Bằng nụ cười, du lịch Việt Nam có thể đánh thức được 6 giác quan của con người.” Và, suốt 1 thập niên qua, với tư cách nhà quản lý Khu nghỉ mát Ana Mandara ở Nha Trang, tập đoàn Sixsens đã âm thầm tựa vào sự tinh tế của “nụ cười” để mở mang… thương hiệu !
Sự quyến rũ luôn luôn ngọt ngào và có men say, câu chuyện của Jesus Jesse, một người Mỹ gốc Mexico rất đời thường mà vô cùng cảm động. Từng bị động viên đi lính, sang Việt Nam những năm 1969-1970, trở về Mỹ, ký ức về miền Trung khói lửa khiến Jesse luôn cảm thấy mắc nợ đất nước này. Đúng 30 năm sau (1999), Jesse trở lại chiến trường xưa, tình cờ ghé vào Nha Trang rồi tình cờ gặp một cô gái nông thôn lên thành phố làm công tại một quán rượu bên bờ biển.
“Tình yêu sét đánh” níu giữ, Jesse quyết định dành trọn phần đời còn lại ở Nha Trang. Bây giờ, người lính Mỹ năm xưa đang say sưa vun đắp tổ ấm, chiều chiều, người dân TP phố biển thường bắt gặp một “ông Tây” đẩy xe nôi, đưa con gái cưng dạo mát. Jesse thổ lộ: “Hạnh phúc là một cái gì đó rất cụ thể. Nơi nào có gia đình, nơi ấy chính là quê hương!”.
* * *
Tôi tin rằng vẻ đẹp thấm đẫm nhân tình của những thành phố trước biển Thái Bình Dương đã tạo nên những cuộc di dân âm thầm.“Đất lành, chim đậu”, nhiều “đàn chim” từ phương trời xa lạ đến “làm tổ” ở Nha Trang. Đó là lý do “phố Tây” hình thành trong lòng phố biển. Quả là thú vị khi sống ở Nha Trang, hàng ngày đi chợ, bạn có thể mua đủ thứ đặc sản của hai miền Nam, Bắc và thưởng thức vô số món ăn Âu, Ấn…do chính tay những người di cư đến phố biển làm ra và lưu giữ.