Tuyển một đằng, đưa đi làm một nẻo Gia đình ông KSía (trú bon Pru Đăng) có người con gái tên là HHuôn (19 tuổi). Đầu năm 2013, bà Hoài đến nhà nói rằng, công ty muốn tuyển dụng HHuôn để đưa sang Nga làm việc cho một doanh nghiệp may mặc với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Ðể lấy lòng tin của gia đình, bà Hoài đã đưa ra hàng loạt hồ sơ, chứng từ liên quan đến Công ty XNKTH Sơn La và hồ sơ tuyển dụng lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài. Trước sự thuyết phục của bà Hoài, giữa tháng 1, gia đình ông đã đồng ý cho HHuôn đăng ký tên và làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Nga. Thế nhưng, khoảng một tuần sau, bà Hoài lại thông báo với gia đình là sẽ đưa HHuôn sang Malaysia làm việc cho một công ty chuyên lắp ráp máy tính, nhưng mức lương chỉ từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Mặc dù có sự thay đổi về nơi làm việc cũng như mức lương, nhưng gia đình ông vẫn đồng ý cho HHuôn làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, để HHuôn sang được Malaysia làm việc, gia đình ông phải nộp cho bà Hoài số tiền 18 triệu đồng gồm: chi phí làm hồ sơ, mua vé máy bay. Khi gia đình ông KSía nói không có tiền thì bà Hoài đã rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn làm hồ sơ để vay vốn ngân hàng… Không chỉ riêng gì gia đình ông KSía mà tại bon Pru Ðăng còn có một số thiếu nữ khác như: em HDơng (16 tuổi), HRung (18 tuổi), HJơng (18 tuổi)… cũng được bà Hoài tuyển đi xuất khẩu lao động ở Malaysia và cũng đều phải đóng cho bà Hoài số tiền tương tự. Ðiều đáng nói là mặc dù một số em chưa đủ tuổi lao động, nhưng bà Hoài vẫn “vô tư” tuyển dụng, làm hồ sơ để đưa đi xuất khẩu lao động. Và các trường hợp đăng ký làm hồ sơ đều được bà Hoài rất nhiệt tình hướng dẫn làm thủ tục vay tiền của ngân hàng để làm kinh phí. Cần làm rõ động cơ của bà Hoài Nhận thấy việc bà Hoài tuyển dụng người đưa đi xuất khẩu lao động có nhiều biểu hiện bất thường như tuyển người đang ở độ tuổi vị thành niên, thay đổi nơi làm việc một cách đột ngột; tuyển người không có bằng cấp, tay nghề để làm việc cho công ty lắp ráp máy tính… nên đến đầu tháng 2, hầu hết các gia đình đều thay đổi ý định và không cho con em mình đi xuất lao động. Thế nhưng, sau khi hủy bỏ ý định đi xuất khẩu lao động, cả HHuôn, HDơng, HRung và nhiều trường hợp khác đều bị bà Hoài giữ lại các giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, sổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội... Ông KSía phản ánh: “Bà Hoài cho rằng, gia đình chúng tôi đã vi phạm hợp đồng, nên mỗi trường hợp đều phải nộp cho bà 10 triệu đồng mới được trả lại giấy tờ”... Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Công Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Ðắk Nia cho biết: “Cuối năm 2012, bà Hoài có liên lạc với chính quyền địa phương về việc tuyển dụng một số lao động nữ trên địa bàn xã Ðắk Nia để đưa sang Nga làm việc cho một doanh nghiệp may mặc. Do bà Hoài yêu cầu lao động phải thành thạo tay nghề, nên chính quyền địa phương đã phối hợp cơ quan chức năng tổ chức một lớp đào tạo nghề may ngắn hạn cho 20 học viên nữ trên địa bàn có nhu cầu xuất khẩu lao động. Mặc dù vậy, đến đầu năm 2013, sau khi lớp đào tạo nghề may kết thúc thì bà Hoài vẫn cho rằng, trình độ tay nghề của các học viên còn yếu, không đủ điều kiện để sang Nga làm việc. Từ đó, bà Hoài không còn liên lạc với chính quyền địa phương về việc tuyển người đưa đi xuất khẩu lao động nữa...”. Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông thì qua xác minh, thời gian qua, Công ty XNKTH Sơn La không thực hiện việc tuyển dụng người trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông để đưa đi xuất khẩu lao động. Hiện nay, bà Hoài cũng không còn làm việc tại Công ty XNKTH Sơn La nữa. Do đó, nếu bà Hoài đại diện cho Công ty XNKTH Sơn La để tuyển dụng người đưa đi xuất khẩu lao động là trái với quy định. Cũng theo ông KSía, thời gian qua, bà Hoài vẫn thường xuyên liên lạc với nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Ðắk Nia để đòi tiền. Thậm chí, bà Hoài còn hù dọa các hộ dân rằng, nếu không nộp đủ tiền thì bà sẽ tố cáo với cơ quan Công an hoặc khởi kiện ra tòa án. Sự việc này rất cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. CAND Online |