Vì đâu nên nỗi…
Trả lời câu họi của phóng viên Chinhphu.vn về lý do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy định mới về đào tạo liên thông. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Luật giáo dục có hiệu lực từ 1.1.2013… các văn bản cũ được rà soát để sửa đổi những quy định không còn phù hợp với luật mới, trong đó có quy chế đào tạo liên thông.
Trong bài phọng vấn của Chinhphu.vn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã thừa nhận sau 10 năm triển khai hệ đào tạo liên thông (6 năm thí điểm, bốn năm đại trà): Trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện, Bộ Giáo dục và đào tạo nhận thấy có những vấn đề bất cập, cần phải chấn chỉnh, do đó Bộ ban hành Thông tư số 55, nhằm thực hiện Luật Giáo dục đại học, đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo và quyền lợi người học.
Vị thứ trưởng cũng đánh giá cái chưa được của Quyết định 06 "Quy chế đào tạo liên thông": Trong thời gian thí điểm vừa qua do quy chế chưa cụ thể khiến xã hội hiểu nhầm đào tạo liên thông là hệ đào tạo mới với chương trình riêng, tuyển sinh riêng, đánh giá chất lượng riêng… Điều này đã dẫn đến hệ lụy là chất lượng đào tạo không đảm bảo, người sử dụng lao động đã từ chối tuyển dụng, gây thiệt thòi quyền lợi của người học.
Vậy, ai đã đẩy sinh viên hệ đào tạo liên thông vào con đường học có bằng cấp mà các nhà tuyển dụng vẫn cứ… ngoảnh mặt làm ngơ. Những người "học thật" ở hệ đào tạo này cũng bị vạ lây vì… chất lượng đào tạo. Trách nhiệm đầu tiên không ai khác thuộc bộ chủ quản.
Ròng rã suốt 10 năm qua, lần đầu tiên xã hội cũng như người học ở hệ đào tạo này mới được nghe đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo thừa nhận "điểm chết" của đào tạo liên thông đó chính là quy chế của bộ chưa cụ thể. Hệ lụy của "quy chế chưa cụ thể" đã dẫn đến "thảm họa" mà chính bộ cũng không lưọng hết được: trường trường liên thông. Có trường không được bộ cho phép cũng vẫn cứ …liên thông. "Thông" từ trung cấp, dạy nghề… qua bậc cao đẳng rồi vọt lên đại học. Học sinh không tốt nghiệp THPT cũng có cơ hội có bằng đại học chính quy, một khi chấp nhận đi đường vòng "liên thông".
Siêu lợi nhuận
Trở lại với lời nhận xét của Thứ trường Bùi Văn Ga: "Do quy chế chưa cụ thể nên xã hội hiểu nhầm về đào tạo liên thông là hệ đào tạo mới…". Xin thưa với thứ trưởng: Xã hội đâu có nhầm và người theo học hệ này lại càng không thể nhầm được. Thực tế là các trường công khai tuyển sinh. Sinh viên tốt nghiệp trung cấp được nhà trường tổ chức cho thi lên hệ cao đẳng. Sinh viên cao đẳng thì được thi tiếp vào đại học và thời gian học đại học chỉ là 1,5 đến 2 năm vì đã có bằng cao đẳng.
Vậy, câu họi đặt ra là các trường có hiểu nhầm hệ đào tạo này không?
Theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định 06 ngày 13.2.2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về "đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học", Khoản 2 Điều 4 - đối tượng đào tạo liên thông, nêu: "đối với đào tạo liên thông từ trung cấp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng lên đại học, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp. Người tốt nghiệp loại trung bình phải ít nhất có một năm làm việc gắn với nghề đã đào tạo".
Chính vì điều kiện ngặt nghèo đối với người tốt nghiệp trung bình nên các trường đều đã lách quy định này bằng cách sinh viên sẽ được "đẩy" tốt nghiệp vào loại khá. Vì cả nhà trường và sinh viên đều được lợi. Như vậy, không thể nói các trường đã làm sai quy chế của bộ.
Hơn nữa chính việc bộ giao quyền tự chủ "khép kín" cho các trường (từ khâu tuyển sinh đến chương trình đào tạo và cấp văn bằng), đây chính là kẽ hở lớn nhất để các trường lách quy chế. Trong tổng số 447 trường đại học và cao đẳng thì không đến 1/3 số trường không có hệ đào tạo liên thông. Ngoài hệ liên thông của trường, các trường còn "bắt tay nhau "đào tạo liên kết. Các trường nghề cũng không "kém miếng" khi "khoác" lên mình cái tên: trường cao đẳng nghề, mà đã cao đẳng thì tất sẽ được "thông" lên đại học. Hệ đào tạo này đã ‘trăm hoa đua nở" khiến bộ không sao quản nổi.
đào tạo liên thông trong 10 năm qua đã bị các trường vì mục đích lợi nhuận biến nó thành hệ đào tạo mà "tiền là chính, chất lượng là phụ". Thế mới có chuyện cười ra nước mắt ở trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh khi thí sinh từ chối nhận giấy trúng tuyển của nhà trường vì bị ép trúng tuyển. Các cơ sở của trường này được mở ở nhiều địa phương. Và trong khi còn đang "chọ" giấy phép của bộ, trường đã mở lớp, đào tạo "chui" vì… cơ sở đã mở, mặt bằng đã thuê, giáo viên đã tuyển. Nếu không vỡ lở vụ trường đại học Tây đô hai lần đặc cách cho thí sinh Thu Thảo thì mấy ai biết được hệ đào tạo này "bát nháo" như vậy. Tháng 5 thí sinh Thu Thảo được đặc cách thi tốt nghiệp trung cấp sớm. Tháng 6 thí sinh này đã trúng tuyển hệ cao đẳng, đặc biệt hơn khi thí sinh Thu Thảo đã là sinh viên cao đẳng lại được trường cho thi cải thiện điểm tốt nghiệp trung cấp… mục đích để bảng điểm của tân hoa hậu Việt Nam có phần "sáng sủa".
Qua cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng" thì dễ dàng nhận thấy, ngay các nhiều trường đại học thuộc diện kén sinh viên cũng mở hệ cao đẳng để "liên thông". Nhọ cái danh của trường mà nhiều thí sinh đã lựa chọn con đường vào cao đẳng để có tấm bằng chính quy của trường đại học danh giá. Dù không được bộ cho phép, có trường "liều" mở từ trung cấp để thông lên đại học. Mục đích để giữ chân sinh viên - đảm bảo nguồn thu không bị… phân tán. Số trường nằm trong "diện" này khá đông, đáp ứng được đối tượng người học có học lực "non" trung bình
"Bất cập" lớn nhất của quyết định 06 đã tạo điều kiện các trường chạy theo mục đích kinh doanh. Sức ép "tiền bạc" đã khiến chất lượng đào tạo bị xem nhẹ. Bộ không đủ lực để quản. Quyết định 06 đã làm cho người học thấy… đường vào đại học là thênh thang nhất và duy nhất… là tấm bằng đại học.
Và chính những bất cập của quy chế đào tạo liên thông ban hành kèm theo Quyết định 06 được các chuyên gia giáo dục nhận định đã đi lệch chủ trương đào tạo nguồn nhân lực. Các trường trung cấp, cao đẳng, trường nghề đã bị tước mất "sứ mệnh" đào tạo của mình.
Nguồn tin: Lao động