Chuyên gia kinh tế nói về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế

Thứ bảy - 23/02/2013 21:34 1.201 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Nói về Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét đề án đáp ứng những đòi hỏi cấp bách và lâu dài của thực tiễn đặt ra, đồng thời tập trung vào những nỗ lực cơ bản để có bước đột phá phát triển giai đoạn 2013 – 2020.

 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành: Sự cải tổ mạnh mẽ

Đề án phản ánh một tư tưởng rất cơ bản rằng Việt Nam phải thay đổi cách thức tăng trưởng, phát triển và về bản chất, đó chính là sự cải tổ mạnh mẽ, tạo ra một hệ thống động lực mới (kết hợp cơ chế thị trường, cam kết hội nhập và những chính sách “khôn ngoan”) và thể chế thực thi mới để các nguồn lực đang có và sẽ có được phân bổ thật sự hiệu quả.

Đề án tập trung vào những nỗ lực cơ bản để có bước đột phá phát triển giai đoạn 2013-2020. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu 3 lĩnh vực đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), tài chính-ngân hàng (trọng tâm là các tổ chức tín dụng), doanh nghiệp (trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) và các ngành, có tính đến kinh tế vùng.

Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện đề án không đơn giản, phát sinh không ít phức tạp, đòi hỏi phải xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội gắn với cải cách thể chế, tương tác giữa trong và ngoài nước, quan hệ lợi ích và chi phí cũng như trước mắt và lâu dài.

Để thực hiện thành công đề án, cần chú ý 3 vấn đề mấu chốt:

- Trước hết là sự quyết tâm và sự đồng thuận chính trị, xã hội. Đây là điều hết sức cần thiết, song vẫn chưa đủ. Nó cần được chuyển hóa thành thể chế thực thi có hiệu lực, với khả năng giải trình và tính minh bạch cao, được giám sát chặt chẽ.

- Hai là việc tiếp tục hoàn thiện những nội dung cơ bản của đề án. Không phải mọi ý tưởng, yêu cầu của đề án đã hoàn hảo; cần tiếp tục có những mổ xẻ thấu đáo hơn. Cũng rất cần khẩn trương thiết kế chương trình hành động cụ thể với những giải pháp chính sách, bước đi và mức độ ưu tiên thực thi.

- Ba là, phải rất quyết liệt hành động để ngay trong năm 2013-2014 có được những thành quả thật sự có ý nghĩa trong tái cấu trúc kinh tế, đối với cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công.

Song song với thực hiện đề án, cũng cần có tầm nhìn dài hạn hơn, chẳng hạn đến năm 2030. Thế giới đang biến đổi nhanh chóng và không ngừng sáng tạo, cải cách. Việt Nam rất cần một tầm nhìn, một công cuộc cải tổ và chiến lược gắn đầy đủ nhất với mục đích phát triển bền vững. Đó là sự phát triển dựa trên một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt trước các cú sốc lớn, công bằng trong phân phối lợi ích từ tăng trưởng và thân thiện với môi trưởng.
 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên: Định hướng đúng

Đề án có mục tiêu rộng lớn, bao quát nhiều mặt, hướng tới việc thay đổi toàn bộ mô hình tăng trưởng kinh tế. Đây là định hướng đúng. Nó thể hiện quyết tâm tạo ra sự thay đổi căn bản và triệt để trong cách thức phát triển kinh tế mà tình hình mấy năm qua chứng tỏ, nếu không thay đổi như vậy thì nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng.

Tuy nhiên, đề án cần xác định rõ “tọa độ lửa” để tập trung hành động. Tọa độ đó, theo tôi là hệ thống phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

Hiện nay, tiềm lực kinh tế của ta đã bị suy yếu nhiều, năng lực quản trị, điều hành cũng không phải là “dồi dào”. Vì thế, càng phải biết chọn mục tiêu ưu tiên, trọng điểm để “quyết chiến”. Hơn thế, tập trung vào “tọa độ” đó thì sẽ có “trục” kết nối cả ba mảng tái cơ cấu cụ thể đang được ưu tiên triển khai. Hiện nay, ba mảng này đang khá rời rạc, khó phối hợp, mà đây cũng là một nguy cơ.

Thứ hai, ta đã bàn luận quá lâu về vấn đề này, nhưng mãi vẫn chưa có hành động gì thực sự đúng tầm để đáp ứng nhu cầu thực tiễn nóng bỏng. Nói như vậy có hàm ý rằng, việc Chính phủ phê duyệt đề án là một bước tiến quan trọng hướng tới thực tiễn. Việc bây giờ là phải ráo riết triển khai, vừa triển khai vừa chỉnh sửa, bổ sung. Không thể cứ bàn mãi, chờ hoàn thiện rồi mới làm. Cần phải “tái cơ cấu” ngay cách hành xử chiến lược, chính sách thông thường lâu nay “vạch ra mà không làm”, thỏa mãn với việc bàn luận mà không hành động với trách nhiệm rõ ràng.

Thứ ba, cần lưu ý đến lộ trình triển khai. Như đã nói, nền kinh tế đang rất yếu, năng lực bộ máy thực thi có hạn, mà nền kinh tế thì lại đang phải đáp ứng nhiều yêu cầu sinh tử - vừa chống lạm phát, tái lập ổn định, lại phải bảo đảm tăng trưởng cao “hợp lý” trong bối cảnh phải xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, rồi lần này phải dốc sức cho tái cơ cấu trên đủ mọi mặt trận...

Theo tôi, cần đặt lợi ích tái cơ cấu lên ưu tiên hàng đầu – ưu tiên nguồn lực tài chính, ưu tiên năng lực trí tuệ để triển khai, đạt được những kết quả thực tiễn rõ ràng; nếu không, sẽ rất nguy hiểm vì lòng tin xã hội đang bị suy yếu hiện nay sẽ không khôi phục được. Lúc đó, bất ổn vĩ mô sẽ tăng, các cơ sở tăng trưởng cũng bị suy yếu thêm.

Kinh nghiệm các năm gần đây cần được suy ngẫm nghiêm túc để áp dụng trong năm 2013- năm được coi là bản lề - theo đúng nghĩa năm có cơ may xoay chuyển tình thế.

TS Nguyễn Minh Phong.

TS Nguyễn Minh Phong: Cơ sở khoa học và thực tiễn cao

Trước hết cần khẳng định rằng về tổng thể và cơ bản, đây là một đề án được soạn thảo công phu, có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, đáp ứng được nhiều đòi hỏi cấp bách và lâu dài của thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới.

Để thực hiện thành công đề án, cần đặc biệt chú ý 2 nhóm vấn đề: Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước các cấp và tập trung trọng tâm đầu tư công; khuyến khích sự năng động thích ứng của doanh nghiệp.

Việc đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc có thể đối diện với áp lực về lao động theo cả 2 hướng: Một mặt, sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao theo yêu cầu cơ cấu kỹ thuật mới mà không thể tạo ra trong ngày một ngày hai; mặt khác, sự dư thừa đội ngũ lao động không còn phù hợp từ các cơ sở triển khai tái cấu trúc và kéo theo những gánh nặng về thất nghiệp và an sinh xã hội.

Hơn nữa, dưới góc độ đầu tư, nếu thiếu kiểm soát thì tái cấu trúc kinh tế cả cấp vĩ mô hay vi mô, quy mô lớn hay nhỏ đều có thể làm tăng rủi ro khi doanh nghiệp từ bỏ sản phẩm, thị trường và sở trường kinh doanh cũ để tham gia kinh doanh trên thị trường mới, với những áp lực mới không dễ vượt qua về sức cạnh tranh, kinh nghiệm, đối tác và kỹ năng phản ứng thị trường; từ đó, có thể kéo theo các rủi ro về nợ nần mới hoặc thiếu hụt nguồn vốn và áp lực vay mới.

Đồng thời, nếu thiếu thận trọng, quá trình tái cấu trúc kinh tế còn có thể tạo cớ gây lãng phí các dự án đầu tư dở dang theo mô hình đầu tư cũ, gia tăng sự lạm dụng, thất thoát và tham nhũng mới những dự án đầu tư mới nhân danh tái cấu trúc, nhất là khu vực đầu tư công…

Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh hậu tái cấu trúc cũng có thể là kênh dẫn truyền những tác nhân bất ổn ngoại nhập mới hoặc làm phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn mới về môi trường sống trên địa bàn diễn ra các hoạt động này.

Theo Chính phủ

Ý kiến bạn đọc

MINH TRI - 23/02/2013 20:46

TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ GẮN CƠ CHẾ GIÁM SÁT TẬP ĐOÀN KTNN


Đối với nền kinh tế của nước ta thì doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo, do vậy tái cơ cấu nền kinh tế cần thiết phải tái cơ cấu mô hình doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là việc cần làm ngay.
Vừa qua Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tái cơ cấu nên với quan điểm là không phân biệt quy mô của Ngân hàng thương mại, DNNN, quan trọng nhất là Ngân hàng thương mại, DNNN đang tồn tại phải hoạt động an toàn về vốn, lành mạnh không tiêu cực và kinh doanh có hiệu quả.Trong những năm qua cũng có nhiều tập đòan doanh nghiệp nhà nước làm ăn kinh doanh có hiệu quả đóng góp cho ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong khỏan thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên vẫn còn những tập đòan doanh nghiệp nhà nước làm ăn kinh doanh kém hiệu quả để thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng, điển hình như tập đòan Vinashin, Vinalines từ Chủ tịch hội đồng quản trị , Tổng giám đốc, kế toán trưởng vv… bị sai phạm trong quá trình quản lý kinh doanh, làm thất thóat tiền nhà nước, đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật truy tố đưa ra xét xử , những việc làm trên đã gây mất niềm tin của người dân đối với các tập đòan doanh nghiệp nhà nước.
Điều đó thể hiện qua khảo sát do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và WB, sứ quán Ireland tổ chức công bố khảo sát “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt – CAMS 2011”. Có đến 70% dân số không hài lòng với sự đóng góp của doanh nghiệp nhà nước.
Để củng cố niềm tin cho người dân đối với các tập đòan nhà nước, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước , tin vào chế độ ưu việt của nước ta, không có cách nào hơn phải kịp thời tái cơ cấu nền kinh tế của nước ta hiện nay. Tái cơ cấu mang ý nghĩa là sửa chửa những yếu kém trong thời gian vừa qua, tìm hiểu những nguyên nhân khách quan và chủ quan để có hướng khắc phục để tập đòan doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát triển, phù hợp với nền kinh tế thị trường đang tiến trình hội nhập với kinh tế thế giới. Trước tiên cần phân loại các đơn vị doanh nghiệp nào làm ăn kinh doanh có hiệu quả nên tiếp tục duy trì từng bước cổ phần hóa. Không nên có quan điểm do tái cơ cấu nên phải nhập vào, đối với nền kinh tế không phải là làm bài tóan phép cộng là xong.
Có thể có doanh nghiệp, ngân hàng hiện nay với quy mô nhỏ đang làm ăn kinh doanh có hiệu quả, nhưng đến khi nhập vào với đơn vị khác tạo ra quy mô lớn hơn, nhưng chưa chắc kinh doanh có hiệu quả. Đối với các đơn vị tập đòan doanh nghiệp nhà nước làm ăn kinh doanh bị thua lỗ thất thóat ngân sách quá lớn, việc đầu tiên phải thay ngay các vị lãnh đạo tập đòan, tổng giám đốc. Cần thiết xem lại quy mô của tập đòan hiện nay có phù hợp hay không? Nếu không phù hợp có thể giải thể, để lại các thành viên doanh nghiệp trực thuộc nếu họat động kinh doanh tốt được tiếp tục tồn tại.
Nhà nước cần tổ chức lựa chọn bằng cách thi tuyển hoặc xét tuyển, các vị lãnh đạo các doanh nghiệp kể cả nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân biết kinh doanh , làm ăn kinh doanh có hiệu quả trong nhiều năm qua, thuê họ về làm tổng giám đốc hay giám đốc có thời hạn, nhà nước trả lương cho họ xứng đáng với công lao họ bỏ ra, nếu mang đến hiệu quả kinh doanh lợi nhuận cao. Trước khi về nhận nhiệm vụ này họ phải trình bày phương án kinh doanh của tập đòan, doanh nghiệp, hiệu quả từ phương án kinh doanh mang lại trong thời gian đến. Nếu trong quá trình kinh doanh, vì sự chủ quan quyết đóan của mình làm thiệt hại thất thóat về tài sản nhà nước họ phải chịu trách nhiệm về vật chất.
Đối với các Bộ ban ngành có chức năng phải có những văn bản quy định cụ thể ràng buộc các nguồn vốn phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh, nghiêm cấm các tập đòan doanh nghiệp tự ý đầu tư ra ngòai ngành, nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Hàng năm các cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, các Ủy ban của Quốc hội cần có chương trình tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện kịp thời những sai phạm của đơn vị để chấn chỉnh.
Đơn vị hàng năm phải chủ động thuê kiểm tóan độc lập trong và ngòai nước kiểm tóan quá trình kinh doanh và phải báo cáo quyết tóan tài chính với Bộ chủ quản và Bộ tài chính cơ quan quản lý thuế. Trong những năm qua việc thanh tra, kiểm toán, giám sát của các bộ ban ngành có chức năng , của Quốc hội ít quan tâm đến hoạt động tài chính của các tập đòan đơn vị , để đơn vị tự ý chi tiêu vô nguyên tắc làm thất thóat tiền nhà nước, kinh doanh thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng, đến khi phát hiện thì việc đã rồi. MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Lao động

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay6,768
  • Tháng hiện tại112,510
  • Tổng lượt truy cập41,492,839
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây