Vì sao khán giả quay lưng với phim Việt?

Thứ bảy - 23/02/2013 21:35 1.571 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Khán giả quay lưng với phim Việt hay chính nhà làm phim đã kéo xa khoảng cách của mình với khán giả vì cách làm phim cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp?
Nhiều nhà làm phim hay than rằng, khán giả quay lưng với điện ảnh Việt. Lời than này xuất phát từ việc có phim làm ra nhưng ít người xem, trong khi các phim nhập khẩu thì cứ đông khách. Trước tiên có thể cảm thông với phía người sản xuất khi nhìn đứa con tinh thần của mình bị người nhà chối bỏ. Chi phí làm ra một phim không phải là bạc lẻ, có khi hàng tỷ đồng và những ngày vất vả của cả một êkip kềnh càng. Vậy mà phim ra rạp không ai xem, họ không cảm thấy tủi mới là lạ!

Thế nhưng sự thật thì ai bỏ rơi ai, người xem hay điện ảnh Việt đang tự kéo xa khoảng cách của mình với khán giả vì cách làm phim cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp là điều đáng suy ngẫm.

Thông thường, mùa phim điện ảnh Việt hội tụ nhiều nhất cả về số lượng và chất lượng là dịp tết, thời gian còn lại trong năm chỉ rải rác một vài phim và chất lượng không đáng kể. Song không phải năm nào phim chiếu Tết cũng đều hay như quảng cáo mà có khi chỉ là “bom xịt”, năm nay là một ví dụ. Nhưng có đi xem phim, có quan sát mới thấy rằng dù nhiều phim bị báo chí chê tơi bời ngày ra mắt nhưng người ta vẫn rồng rắn xếp hàng mua vé. Mà không phải các rạp ngày tết chỉ bày ra mâm cỗ với toàn là món ăn thuần Việt mà có cả những bom tấn nhập khẩu. Người ta vẫn chọn phim Việt rất đông, dù chẳng hấp dẫn là mấy! Tôi đã chứng kiến cảnh này ở 2 rạp lớn nhất nhì tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà làm phim than rằng khán giả bỏ rơi điện ảnh nhà thì thật là oan!

Trong 4 phim chiếu tết năm nay hầu hết đều được quảng bá rất rầm rộ về chất lượng và kinh phí đầu hoành tráng từ trước đó hàng tháng trời. Song khi ra rạp không ít khán giả đã không khỏi thất vọng. Những phim hài như Yêu anh em dám không?!, Nhà có năm nàng tiên thì chất lượng xem ra khỏi phải bàn. Phim yếu và thiếu từ kịch bản đến đầu tư bối cảnh… Nhất là Yêu anh em dám không?! Với ai đã xem Hello cô ba của năm trước qua sự kết hợp của ông bầu Phước Sang với đạo diễn Ngyễn Quang Minh thì hẳn sẽ không trong mong gì mấy về phim tết năm nay. Và sự thật là như vậy, người viết bài này chứng kiến không ít khán giả bỏ ra khỏi rạp giửa chừng. Phim thiếu đầu tư về bối cảnh, kịch bản kém hấp dẫn, tình tiết gây cười, lời thoại ngô nghê. Chi phí hàng tỷ cho phim như lời của nhà sản xuất công bố có lẽ là để chi trả cho dàn sao khủng đã mời!?

Ngay cả phim được trong chờ nhất là Mỹ nhân kế của Nguyễn Quang Dũng cũng khiến người xem ít nhiều thất vọng.

Ý tưởng về những nữ sát thủ nữ quyến rũ trong một tửu điếm cùng dàn mỹ nhân: Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Diễm My 9x… Nguyễn Quang Dũng hoàn toàn có thể tạo nên một phim giải trí hấp dẫn. Tuy nhiên, ngoài những gương mặt xinh như mộng thì khó có thể tìm thấy điểm hấp dẫn nào thêm nữa trong Mỹ nhân kế.

Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, hiệu ứng 3D đã khẳng định một điều rằng Việt Nam chưa thể làm được phim 3D cho ra hồn. Hình ảnh tối, nhòe. Các màn tương tác với người xem thì ít, chiều sâu, độ nổi và nuột nà của hình ảnh cũng kém, thậm chí một số lỗi ghép kỹ xảo rất lộ liễu. Nội dung phim cũng không có yếu tố kịch tính, hấp dẫn, các mỹ nhân cứ đụng nhau là đánh tơi bời.

Dũng “khùng” từng chia sẻ là cách đánh thể hiện tính cách từng nhân vật, song đó là một đánh đố quá mức với người xem vì thật ra trong các pha hành động thì cô nào cũng như nhau. Vì lẽ đó mà tính cách, chân dung từng nhân vật trở nên mờ nhạt.

Nhưng rồi sau thời gian ngắn công chiếu, nhiều phim công bố doanh thu đáng mơ ước, có phim lên đến hàng chục tỷ đồng. Galaxy cho biết Mỹ nhân kế đã bán ra hơn 100.000 vé trong ba ngày đầu ra rạp từ 1/2 đến 3/2, đạt mức doanh thu gần 12 tỷ đồng. Và tính đến thời điểm ngày 13/2, phim đã đạt 35 tỉ đồng. Phim hài Nhà có năm nàng tiên, cũng công bố thu được 4 tỷ đồng sau ba ngày công chiếu, tương ứng với 45.000 vé bán ra… Doanh thu từ những bom tấn của ngoại quốc đã lép vế trong cùng thời điểm chiếu vừa qua.

Vậy mà cứ một phim Việt nào đó ra đời nhưng thất thu, người ta cứ đổ lỗi cho sự quay lưng của khán giả thì thật là lạ!

Nhiều năm qua, tỷ lệ phim Việt so với phim nhập khẩu là một khoảng cách quá xa. Ví như chỉ 17 phim Việt ra rạp trong khi có đến 106 phim nhập ngoại trong năm 2011, và năm qua cũng không hề khá hơn. Khán giả Việt thật sự đang “khát” phim Việt, nhưng lý do vì đâu?! Nhiều nhà làm phim có cách lý giải khác nhau, người thì đổ lỗi rằng làm phim ở VN phải chấp nhận độ rủi ro cao khi không có trong tay hệ thống phân phối phim. Và vòng luẩn quẩn cứ diễn ra: làm phim kinh phí cao dẫn đến thua lỗ. Ngoài ra cũng có người nhìn thẳng vào sự thật rằng: “Chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ làm phim có nghề, được đào tạo”.

Thực tế rất nhiều phim điện ảnh ra đời kiểu ăn xổi, thiếu đầu tư chiều sâu, phim chỉ thỏa mãn tức thời nhu cầu thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm, mà không có hoạch định cụ thể. Không đâu xa, ngay trong dịp tết năm nay ta cũng chứng kiến một phim điện ảnh, dự định chiếu tết được làm cấp tốc như thế, đó là phim Hit Hoàng tử và Lọ lem của đạo diễn Ngô Quang Hải. Một phim điện ảnh mà thời gian thực hiện chỉ trong vòng hơn một tháng thì chất lượng của nó thật đáng hoài nghi. Chưa kể cái cách thu hút ban đầu của phim này cũng cho thấy sự vội vàng, ăn xổi của phim đó là những ảnh khoe thân mát mẻ của cô người đẹp đồ lót Ngọc Trinh, điều này cũng đã phần nào nói lên đẳng cấp của phim này! Tuy nhiên phim đã bị đánh bật ra khỏi rạp dịp tết, dời lịch chiếu không thời hạn.

Nhiều đại diện các công ty điện ảnh nhà nước cho rằng “thả nổi” việc nhập phim, chỉ quản lý bằng kiểm duyệt như hiện nay là chưa đủ. Họ cho rằng những nhà nhập phim tư nhân, liên doanh nước ngoài dễ định đoạt việc sắp xếp lịch chiếu, ấn định giá vé và dĩ nhiên khó tránh khỏi chuyện độc quyền hay thao túng thị trường điện ảnh. Điều này không sai tuy nhiên phim ảnh cũng như bất kỳ lĩnh vực kinh tế, kinh doanh khác là đều phải tuân thủ theo quy tắc của thị trường. Nhà phát hành, các rạp phim không thể đóng cửa dài hơi để chờ một phim nội và cũng không thể bớt xuất chiếu của một phim hot, đang thu hút sự quan tâm của công chúng để chiếu một phim kém cả về nội dung và hình thức!

Sự mong chờ xem những phim điện ảnh Việt hấp dẫn luôn là nổi khát khao có thật của công chúng trong suốt năm. Thế nhưng số lượng phim ra đời đã ít, chất lượng lại kém; công chúng không được xem phim Việt hay trên rạp của mình thì cảm giác bị bỏ rơi xem ra còn nhiều hơn. Nếu như các nhà làm phim chịu đầu tư sâu và kỹ hơn về chất lượng phim thì phim Việt trong lòng công chúng Việt đã khác. Và khi ấy các nhà làm phim sẽ không còn lo bị mất khán giả nữa!

Theo Petrotimes

Ý kiến bạn đọc

MINH TRÍ - 23/02/2013 09:46

Nhiều người nhận xét lớp trẻ hiện nay hiểu biết lịch sử của nước ngòai như Trung quốc, Anh, Pháp, Mỹ… nhất là lịch sử Trung quốc biết nhiều hơn là lịch sử của đất nước Việt nam. Xem các chương trình của Đài truyền hình Việt nam như Đường lên đỉnh Olympia, Trò chơi sinh viên 96,2000,2012, Hành trình văn hóa vv…có những câu hỏi về nhân vật lịch sử nước ta rất phổ thông như đời các vị vua, các vị tướng tài của đất nước, hoặc các danh nhân học sĩ qua các triều đại dựng nước và giữ nước, nhưng các em không trả lời được. Đây là vấn đề cần báo động, Bộ giáo dục đào tạo, Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cục Điện ảnh, các nhà sử học, các nhà đạo diễn cần nghiên cứu làm thế nào để người Việt nam phải hiểu lịch sử Việt nam nhất là lớp trẻ hiện nay là nguồn tương lai xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua theo dõi những năm qua các Đài truyền hình từ trung ương đến các địa phương liên tục chiếu các phim về đề tài lịch sử Trung quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc thời chiến quốc, Tần thủy hòang, Lã bất vi, Thương ưởng, Tôn trung Sơn, Bao thanh thiên vv…thật sự đã thâm nhập vào khán giả Việt nam. Diễn viên tham gia đều thể hiện thành công vai diễn của mình, đã làm say sưa hàng triệu khán giả đủ các lứa tuổi dưới màn ảnh nhỏ, do vậy những nhân vật lịch sử Trung quốc đã thâm nhập vào bộ nhớ lúc nào không biết. Trong khi đó các nhà kịch bản, nhà đạo diễn làm phim Việt nam dường như ít quan tâm khai thác đề tài lịch sử Việt nam. Có một số ít hãng phim , nhà đạo diễn, nhà biên kịch cũng mạnh dạn đầu tư vào những bộ phim lịch sử Việt nam như Tây sơn hào kiệt, Đêm hội long trì, Nguyễn ái quốc ở Hồng kông vv…“Phim lịch sử Việt Nam vừa ít, vừa yếu” là nhận định của nhà phê bình điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam tại buổi Hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện điện ảnh và truyền hình”, do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức sáng 6/11/2012 tại Hà Nội. Tuy nhiên qua theo dõi các phim lịch sử được sản xuất bị các nhà phê bình điện ảnh khen ít mà chê thì nhiều, do vậy các hãng phim, các nhà biên kịch, nhà đạo diễn nản lòng không ai muốn thực hiện các lọai phim về đề tài lịch sử. Để có những bộ phim hay về đề tài lịch sử, đề nghị Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cục điện ảnh cần tổ chức cuộc thi viết biên kịch phim về đề tài lịch sử, cụ thể nhân vật lịch sử nào đó có công trạng với đất nước, đối tượng tham gia cuộc thi rộng rãi trong và ngòai nước, sau đó chọn ra biên kịch phim xuất sắc kêu gọi các hãng phim, các nhà đạo diễn xuất sắc đầu tư sản xuất bộ phim này, nhà nước nên hổ trợ một phần kinh phí để tạo điều kiện cho các hãng phim hòan thành bộ phim này. Điểm qua lịch sử nước ta từ ngày dựng nước và giữ nước đến nay, có biết bao là vị vua anh minh đem lại thái bình hưng quốc như Đinh bộ Lĩnh, Lê Hòan, Lê Lợi, Lý công Uẩn, Trần thánh Tôn, Trần nhân Tôn,Quang Trung Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh vv…Và có nhiều vị tướng tài đem lại cho đất nước những chiến công hiển hách như Hưng đạo vương Trần hưng Đạo, Trần nhật Duật, Yết Kiêu, Phạm ngũ Lão, Lý thường Kiệt, Võ nguyên Gíap vv…Nhưng đến nay rất có ít phim nói về các vị vua, vị tướng anh hùng của dân tộc. Là người Việt nam, dân tộc Việt nam ai cũng mong muốn ngành điện ảnh Việt nam hết sức quan tâm đầu tư nhiều bộ phim về đề tài nhân vật lịch sử Việt nam điển hình. Để từ đó từ người già đến trẻ có điều kiện ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc , qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ Việt nam càng hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử đất nước mình, càng tự hào về dân tộc. Đây chính là mong muốn của những người yêu điện ảnh Việt nam.

 

Nguồn tin: Lao động

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay7,789
  • Tháng hiện tại41,343
  • Tổng lượt truy cập41,421,672
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây