Cố vấn tới Paris từ chiến trường miền Nam

Thứ sáu - 25/01/2013 02:50 1.067 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Ngày 3.6.1968, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tới Paris. Làng báo Paris sôi nổi bàn luận về gương mặt mới xuất hiện với vai cố vấn đặc biệt đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cố vấn là ai? Báo giới bắt đầu lần theo tiểu sử và hoạt động cách mạng của ông. Có một điều mà khi đó họ chưa biết là cố vấn tới Paris từ chiến trường miền Nam.
Tiến công ngoại giao bây giờ là đúng lúc

Chủ trương kết hợp đánh với đàm trong kháng chiến chống Mỹ đã được Bác Hồ và Bộ Chính trị tính tới từ cuối năm 1965. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của BCHTƯ khóa III, tháng 1.1967 khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh... Trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động...”.

Thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công xuân 68 đã làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố về việc Mỹ sẵn sàng đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 31.3.1968. Bác Hồ và Bộ Chính trị xúc tiến chuẩn bị nhân sự cho cuộc đàm phán với Mỹ.

Để đàm phán với những chính khách chuyên nghiệp, lọc lõi, mưu mô của Mỹ - siêu cường thế giới - nhà đàm phán cách mạng Việt Nam cần có không chỉ ý chí cách mạng tiến công và tính kỷ luật cao, mà còn phải có trí tuệ, bản lĩnh, tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm và mưu lược khôn khéo. Bí thư Trung ương Đảng - Bộ trưởng Xuân Thủy được cử làm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đồng thời, Bác đã viết thư đề nghị Bộ Chính trị điều đồng chí Lê Đức Thọ (anh Sáu) - Ủy viên Bộ Chính trị - từ chiến khu bắc Tây Ninh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ. Trong thư gửi Bộ Chính trị, Bác Hồ đã viết:                                                
“K.g. B.C.T.
Bác và anh Tô đã bàn và đồng ý đề nghị B.C.T. điện cho anh Sáu: “Những công việc cần phải thảo luận, thì anh Sáu nên bàn ngay với anh Bảy và các đồng chí phụ trách. Thảo luận xong anh Sáu nên về ngay (độ trước tháng 5) để tham gia phái đoàn ta đi gặp đoàn đại biểu Mỹ.
Chào thân ái và quyết thắng”.


Sáng tạo của ngoại giao Việt Nam

Trước khi sang Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã được gặp Bác Hồ. Người căn dặn đồng chí nhiều điều, trong đó có lời nhắc nhở: “Muốn thành công, phải biết trước mọi việc”. Hệ thống quan hệ quốc tế quá rộng lớn và phức tạp, đa tầng, đa chiều và nhiều ẩn số. Để đàm phán với Mỹ, đánh giá cho đúng Mỹ đã rất khó, nhưng đâu chỉ có riêng Mỹ, lợi ích các quốc gia đan xen, song trùng và đối kháng. Vấn đề đặt ra cho ta trên bàn đàm phán là phải thật khôn khéo để vừa giữ vững độc lập tự chủ, kiên định mục tiêu, vừa giữ gìn đoàn kết quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

“Hai đoàn như một”, “một nhưng lại là hai”, đó là một trong những sáng tạo riêng của ngoại giao Việt Nam. Những sáng kiến về giải pháp quan trọng nhất đưa ra trước diễn đàn công khai ở Paris đều được dành cho đoàn miền Nam do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn để khẳng định địa vị pháp lý quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và tranh thủ rộng rãi sự ủng hộ quốc tế.

Đối diện với tiến sĩ Henry Kissinger- trẻ hơn cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ một  giáp- cố vấn không chỉ đấu trí, đấu lý, mà còn phải đấu lực. Kissinger thường đưa ra những vấn đề gay cấn vào cuối phiên họp. Có phiên họp riêng, Kissinger cố tình kéo dài thời gian từ 10 giờ sáng tới 2 giờ đêm để thử sức cố vấn, nhưng đã thất bại.

Sau trận "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12.1972, Mỹ hết bài và không còn lựa chọn nào khác là phải quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 23.1.1973, bản Hiệp định Paris tháng 10 của ta đưa ra về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và tiến sĩ Kissinger ký tắt mà không có sửa đổi nào về nguyên tắc và nội dung cơ bản. Ngày 27.1.1973, hiệp định đã được ký chính thức. Nhiệm vụ Bác Hồ và Đảng giao phó đã được hoàn thành: Mỹ rút, quân ta ở lại. Tương quan lực lượng thay đổi hẳn hoàn toàn có lợi cho ta.

Cố vấn Lê Đức Thọ đã từ chối không nhận giải thưởng Nobel Hoà bình - được tặng thưởng chung với Kissinger, vì như vậy là không có sự phân biệt giữa xâm lược với bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh với người kiến tạo hoà bình.

Trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên Hãng thông tấn Mỹ (UPI) Sylvana Foa ngày 15.3.1985, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với đồng chí trong những năm tháng đàm phán ở Paris là “phải động não nhiều, phải làm sao nắm cho được những thông tin đầy đủ, làm sao đánh giá tình hình cho thật đúng và từ đó đề ra những kế hoạch cụ thể, những mục tiêu cụ thể và những biện pháp cụ thể. Và khi đã nắm được tình hình, phải hành động với một quyết tâm rất lớn để giải quyết vấn đề đúng lúc và đúng thời gian”.

Nguồn tin: Lao động

 Tags: cố vấn
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập242
  • Hôm nay6,655
  • Tháng hiện tại58,025
  • Tổng lượt truy cập41,125,828
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây