Các bị can gồm Phạm Phú Cường (xã Đại Hiệp, H.Đại Lộc, Quảng Nam), nguyên Trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông; 2 nguyên trạm phó là Hồ Tấn Hai (xã Hòa Phước, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) và Thủy Ngọc Trọng (xã Bình Phục, H.Thăng Bình, Quảng Nam); Nguyễn Văn Ấn (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang), Lý Thanh Tùng (xã Quế Long, H.Quế Sơn, Quảng Nam), Nguyễn Văn Nhung (xã Hòa Phong, H.Hòa Vang), Đinh Ngọc Bán (P.Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Theo điều tra, Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông thuộc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thành lập ngày 21.1.2013. Ngày 26.2.2013, Cường nhận nhiệm vụ Trạm trưởng, phụ trách 5 tiểu khu 31, 33, 34, 37 và 39 với diện tích 4.634 ha, thuộc xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang. Tháng 10.2013, Cường triệu tập cuộc họp khẩn với 6 bị can trên về việc Tam đề nghị chung 5 triệu đồng/xe gỗ để trạm “cải thiện” thì tất cả đều đồng ý. Từ tháng 3 - 4.2014, Tam vào trạm đưa tổng cộng 30 triệu đồng, Hai cất giữ để chi tiêu cho hoạt động chung của trạm như thăm ốm, ma chay, quà liên hoan, thuê người trực tết, cúng kiếng và chia nhau tiêu xài.
| | Vụ án phá rừng lớn nhất Đà Nẵng còn chưa khép lại, thì lại tiếp tục xảy ra vụ phá rừng Sơn Trà khiến dư luận rất bức xúc, âu lo về những cánh rừng cuối cùng của TP. Thành ủy Đà Nẵng ra “tối hậu thư” cho giám đốc Sở NN-PTNT nếu còn phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy. UBND TP.Đà Nẵng phê bình nghiêm khắc giám đốc, phó giám đốc Sở NN-PTNT, yêu cầu Thanh tra TP vào cuộc, khi có kết luận sẽ xem xét trách nhiệm lãnh đạo sở, Chi cục Kiểm lâm. | | |
Đáng nói, theo kết luận điều tra, số tiền các bị can bỏ túi quá ít ỏi so với thiệt hại gần 5,2 tỉ đồng gây ra, người nhận ít nhất là Nhung chỉ 1,35 triệu đồng, Cường, Hai, Ấn, Tùng nhận nhiều nhất chỉ 2,7 triệu đồng/người, vậy mà các kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng biến chất vẫn bán rừng cho lâm tặc với giá rẻ mạt. Đầu mối tiêu thụ cho trùm gỗ lậu Vũ Văn Tam là Phạm Đình Lợi còn khai nhận mỗi chuyến xe gỗ lậu Lợi chi 1,5 triệu đồng/chuyến. Theo đó, chi cho dân quân xã Tư (H.Đông Giang), Trạm kiểm soát lâm sản Dốc Kiền (Hạt kiểm lâm Đông Giang), Trạm kiểm soát lâm sản Hòa Phú (Hạt kiểm lâm Hòa Vang) và ông Châu Ngọc Khế (Trưởng thôn Lấy, xã Tư)...
Không chỉ kiểm lâm Đà Nẵng tiếp tay cho lâm tặc, ngày 8.2.2013, Hạt kiểm lâm Đông Giang (Quảng Nam) khi phát hiện 180 thanh gỗ trong rừng nhưng chỉ thu giữ 60 thanh, làm ngơ để lại 120 thanh ở hiện trường cho Tam hôm sau tiếp tục lấy ra khỏi rừng gây thiệt hại 61 triệu đồng. Đối với 60 thanh gỗ thu được, Lê Hoàng Sơn (nguyên Hạt trưởng Kiểm lâm Đông Giang) cho tách thành 2 vụ để có thẩm quyền xử lý, sau đó bán sung công quỹ 60 thanh gỗ trên, nhưng quan trọng nhất là giúp Tam thoát tội. Tuy nhiên, theo CQĐT, chưa có quy định như thế nào là thiệt hại nghiêm trọng đối với điều 285 Bộ luật Hình sự nên Sơn chỉ bị kiến nghị cơ quan chủ quản xử lý nghiêm khắc về hành vi thiếu trách nhiệm của mình.
Ngoài các bị can trên, Nguyễn Quang Lộc (nguyên Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông) thiếu trách nhiệm để Tam phá rừng nên bị CQĐT kiến nghị xử lý hành chính. Đối với BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa (Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng) để rừng bị xâm hại, CQĐT kiến nghị phải kiểm điểm.
Trong vụ án này, ngoài số gỗ được xác định do Tam và đồng bọn phá rừng, cơ quan chức năng còn thu giữ 66 phách gỗ kiền kiền và gõ (14,366 m3). Điều này chứng tỏ, Vũ Văn Tam không chỉ là băng lâm tặc duy nhất triệt phá rừng giáp ranh Đà Nẵng và Quảng Nam.
Nguyễn Tú