Chiều 11-6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH). Mở màn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Năm nay, chúng ta còn nợ tới 50% nghị định cần ban hành để thực thi pháp luật; còn trên 1.000 văn bản của các bộ - ngành mà Bộ Tư pháp đã kiểm tra, có tới 300 văn bản trái với hướng dẫn của Chính phủ và không thống nhất các quy định”.
Có lợi ích nhóm hay không?
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) không ngại đi thẳng vào vấn đề “nhạy cảm”: “Dư luận người dân và ngay tại hội trường này, đã có ĐBQH nêu tình trạng cài đặt lợi ích nhóm của các bộ - ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc còn nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền mà đẩy khó khăn về phía người dân. Đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng khắc phục tình trạng này?”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt vấn đề về thực trạng nhà đầu tư nản lòng trước “rừng” văn bản hướng dẫn Ảnh: THẾ DŨNG
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Hiện nay, Bộ Tư pháp thẩm định từ quyết định của Thủ tướng trở lên; còn thông tư, thông tư liên tịch thì giao cho vụ pháp chế các bộ. Từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến đến đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày.
Các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Bộ Tư pháp có vai trò thẩm định, phát biểu ý kiến là dự thảo đó có phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng hay không. Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên, chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra.
Cho rằng vấn đề lợi ích nhóm mà ĐB đặt ra liên quan đến các thông tư và thông tư liên tịch, ông Hà Hùng Cường cho biết Bộ Tư pháp đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý xây dựng một đề án thí điểm mô hình kiểm soát tập trung các văn bản gắn chặt với lợi ích của người dân, trọn gói vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh những vấn đề ĐBQH lo ngại có thể xảy ra như “cài đặt lợi ích nhóm”…
Nản vì “rừng” thông tư
Nhiều ĐB cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình trạng nợ đọng nghị định, thông tư. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phản ánh: “Vấn nạn đang gây bức xúc trong nhân dân là các nghị định, thông tư. Hiến pháp, luật thì tạo ra hành lang nhưng không có văn bản hướng dẫn. Đôi khi họ không vi phạm pháp luật nhưng lại bị rơi vào tội cố ý làm trái”.
Thẳng thắn nhìn nhận “không có nước nào, luật ban hành ra phải chờ nghị định, nghị định phải chờ thông tư”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng văn bản ra chậm, có thể ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người dân. Chính phủ rất kiên quyết, quyết liệt để chấn chỉnh việc nợ văn bản. Một số bộ, ngành đã hứa quyết tâm không để nợ, như Bộ Tài nguyên và Môi trường... Bấm nút phát biểu bổ sung, ĐB Trương Trọng Nghĩa gay gắt: “Các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp khi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch QH thì họ rất phấn khởi. Nhưng khi quay về cuộc sống hằng ngày thì họ đụng vào cái “rừng” văn bản hướng dẫn nên rất nản lòng”.
Chốt lại vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Nợ văn bản là vấn đề rất nghiêm trọng. Cần tính xem có cách gì đột phá”.
Chủ tịch xã cũng ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Nói về giải pháp để giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề xuất: “Các bộ, ngành có thể làm tốt quản lý song có văn bản nợ thì chúng tôi trừ điểm. Chúng tôi sẽ đề xuất chế tài hơn nữa để có kỷ cương, kỷ luật”. “Soi” lại hệ thống pháp luật dưới con mắt nhà chuyên môn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ: “Về vi mô, hệ thống pháp luật của ta hiện phức tạp nhất thế giới với nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là đến chủ tịch xã”.
Nguồn tin: NLĐ Online
CẦN QUY TRÁCH NHIỆM CÁC BỘ CHẬM BAN HÀNH THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT ĐÃ ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA Nhiều năm qua Quốc hội đã có nhiều luật đã được quốc hội thông qua đang áp dụng trong cuộc sống, tuy nhiên đến nay còn nhiều luật vẫn chưa có những văn bản dưới luật hướng dẫn để thực hiện , do vậy các cơ quan áp dụng pháp luật không thể thực hiện được. Có nhiều luật đã có nghị định của Chính phủ nhưng lại không có thông tư của cấp Bộ hướng dẫn cuối cùng cũng không thực hiện được. Nhiều khi người dân nói cho vui Thông tư của cấp Bộ còn cao hơn luật do Quốc hội ban hành , vì cấp Bộ không có thông tư hướng dẫn thì các cơ quan áp dụng pháp luật đành chịu, không thể áp dụng được. Chính vì trong thời gian vừa qua do chưa có thông tư cấp Bộ hướng dẫn, đã hạn chế quyền hoạt động và kinh doanh, làm thiệt hại đến nhiều tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình kinh doanh, không thể nào thống kê được. Các tổ chức doanh nghiệp cá nhân cũng không biết kêu ai. Có những luật đều được quốc hội thông qua như Luật đất đai, Luật công chứng , nhưng khi có những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện nhưng không thống nhất , như Luật đất đai cho phép người dân khi làm thủ tục chuyển nhượng , chuyển đổi đất đai , có thể được lựa chọn làm thủ tục chứng thực tại UBND các xã, phường thị trấn ; văn phòng đăng đai cấp huyện, thị, thành phố hoặc tại phòng công chứng. Trong khi đó văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật công chứng thì bắt buộc người dân phải làm thủ tục tại Phòng công chứng. Trong thời gian vừa qua nhất là làm thủ tục chuyển nhượng đất đai tại Phòng công chứng tư đã lộ lên những bất cập , do Phòng công chứng không nắm được thông tin, tính xác thực nguồn gốc đất đai đang làm thủ tục sang nhượng, do vậy kẻ xấu đã lợi dụng làm bìa đỏ giả hết sức tinh vi giống như thật, đã qua mắt các công chứng viên làm thủ tục chuyển nhượng trót lọt, đến khi cơ quan điều tra phát hiện được đã làm thiệt hại cho rất nhiều người mua đến hàng trăm tỷ đồng. Chưa tính đến có thể nhiều bìa đỏ giả hiện nay đang thế chấp tại các ngân hàng thương mại, cũng chưa thống kê được mức thiệt hại như thế nào ?. Đề nghị việc công chứng hay chứng thực việc chuyển nhượng đất đai, nên thực hiện tại UBND cấp xã, phường, thị trấn và tại Văn phòng đăng ký đất đai là tốt hơn, vì tại nơi này các cơ quan chuyên môn sẽ đối chiếu bìa đỏ , biết được nguồn gốc của thửa đất thì phát hiện ngay bìa đỏ làm giả ngay. Để khắc phục tình trạng hiện nay các văn bản dưới luật các bộ ngành hướng dẫn không kịp thời, không đồng nhất, nội dung mâu thuẫn, đề nghị Quốc hội sớm bổ sung sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật , cần quy định thời gian nhất định cụ thể ban hành văn bản hướng dẫn, đình chỉ kịp thời các văn bản dưới luật do các bộ ngành ban hành dưới dạng thông tư, công văn hướng dẫn trái luật, trái nghị định chính phủ, đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý nếu văn bản hướng dẫn chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh gây thiệt hại , thì tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có thể kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng đối với cơ quan nhà nước có trách nhiệm đã không ban hành văn bản đúng thời hạn. Đề nghi Ủy ban thường vụ Quốc hội khi nào có đủ các văn bản dự thảo dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật mà quốc hội sắp thông qua, thì mới trình cho kỳ họp quốc hội để thông qua. Có như vậy việc thực hiện luật mới đi vào cuộc sống , không bị ách tắt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. MINH TRÍ