Hô giảm mà cứ phình ra

Thứ năm - 27/06/2013 02:58 1.135 0
Tại hội thảo góp ý đề án tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ tổ chức vào ngày 24-6 ở Hà Nội, Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết: 5 năm qua chỉ tinh giản được 67.398 người và biên chế vẫn âm thầm tăng lên đến 25%.

 

Thực chất, tinh giản biên chế không phải là chuyện mới mẻ gì mà đã tiến hành... 41 năm qua, bắt đầu thực hiện từ năm 1972 và nghịch lý là biên chế ngày càng phình ra. Trong số 7 triệu người ăn lương ngân sách, hiện có đến 2,2 triệu người là viên chức sự nghiệp và công chức xã, phường. Theo Bộ Nội vụ, tổng số biên chế cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện năm 2012 là 388.480, tăng so với 346.379 biên chế năm 2007. Tổng biên chế cấp xã năm 2012 là 257.675, so với 243.122 năm 2007. Trong 5 năm đó, số lượng tinh giản biên chế ở Trung ương và tỉnh - thành là 67.398 người, chủ yếu do nghỉ hưu trước tuổi, chuyển về cơ sở, thôi việc hoặc đi học.

Bộ Nội vụ đánh giá chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự giảm được người cần giảm, vẫn chỉ là tạo điều kiện cho người có nhu cầu ra khỏi bộ máy vì nguyện vọng cá nhân. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận xét: “Cơ chế đánh giá cán bộ hiện nay dễ dẫn đến tình trạng cấp trên có khi sợ cấp dưới. Người làm việc hiệu quả, có chính kiến lại dễ bị mất lòng, còn người không làm gì, ngồi yên có khi lại được nhiều phiếu. Kết quả cuối năm đánh giá thường ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng tốt cả nên khó xác định và đưa được những người năng lực yếu kém ra khỏi bộ máy”. Lần này, theo ông Tuấn, tinh giản để cơ cấu lại và cơ cấu lại để tinh giản. Đây là 2 việc phải được thực hiện đồng bộ nhằm đạt được yêu cầu thực sự hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia cao cấp của Bộ Nội vụ, nên xác định đến năm 2020, bộ máy hành chính có khoảng 10% chuyên viên cao cấp nắm các chức danh lãnh đạo, 20%-25% chuyên viên chính làm nền tảng, 35% chuyên viên và 30% cán sự, nhân viên. Khâu đầu vào là tuyển dụng, nâng ngạch phải bảo đảm chất lượng và phải kiên quyết đưa người không đạt yêu cầu ra khỏi hệ thống. Luật Cán bộ công chức quy định cán bộ 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ nhưng đến nay chưa có bao nhiêu người bị xử lý vì quy định này. Việc này phải làm nghiêm, không thể chấp nhận tình trạng luật cứ soạn ra rồi để đó, chẳng vận dụng được mà tiền ngân sách thì cứ rót ra đều đều để nuôi các “quan” sáng vác ô đi tối vác về, ngồi chơi xơi nước hoặc hoạnh họe dân là chính.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết sẽ không tăng biên chế từ nay cho đến năm 2016. Hy vọng rằng đây không chỉ là một quyết tâm chính trị mà còn là một trách nhiệm, nhất là làm tinh gọn bộ máy. Mặt khác, bài toán cải cách hành chính, tinh giản biên chế phải đi đôi với cải cách tiền lương, đạo đức công vụ. Nếu cứ hô hào suông thì bộ máy và ngân sách để nuôi bộ máy cứ phình ra trong lúc chất lượng cán bộ công chức vẫn chẳng được cải thiện chút nào.

TRẦN HIỀN
Ý kiến bạn đọc

  • MINH TRÍ
    0Thích  
    26/06/2013 15:05

    CẦN PHẢI CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHO PHÙ HỢP TỪNG NGÀNH Để triển khai Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ đề ra có hiệu quả, phát huy được năng lực sở trường chuyên môn của từng cán bộ công chức viên chức nhà nước. Đồng chí Phó thủ tướng Nguyễn xuân phúc đã từng phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ , công chức: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” Vấn đề ở đây là tinh giản biên chế như thế nào, ở đâu, ngành nào, cấp nào ? Thực hiện Nghị định số 13, 14/2008/Nđ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và cấp tỉnh. Ở cấp huyện hiện nay, có 13 phòng ban chuyên môn trực thuộc, mỗi phòng ban có từ 5 đến 10 biên chế, tổng biên chế hành chính ở cấp huyện biến động trong khoảng từ 90 đến 110 biên chế. Tuy nhiên qua xem xét biên chế các sở ban ngành của tỉnh, trước đây có các phòng ban trực thuộc sở cùng làm việc trong trụ sở, biên chế chỉ có từ 5 đến 7 công chức. Nhưng hiện nay Bộ Nội vụ cho phép nâng cấp rất nhiều các phòng ban thành các Chi cục trực thuộc sở, bộ máy rất cồng kềnh biên chế phải từ 20 công chức trở lên, ngoài ra phải xây dựng trụ sở riêng để hoạt động, rõ ràng rất tốn kém ngân sách nhà nước. Cụ thể như một Sở nông nghiệp phát triển nông thôn của một tỉnh có đến gần 10 chi cục trực thuộc , tương tự các sở khác như sở y tế, sở công thương …cũng có rất nhiều Chi cục trực thuộc sở. Nếu tính trong phạm vi cả nước không biết số lượng biên chế các chi cục là rất lớn. Đối với các bộ ban ngành của trung ương theo quy định cũng có các cục, vụ, viện vv… trực thuộc, tuy nhiên hiện nay cũng thành lập rất nhiều các đơn vị Tổng cục trực thuộc bộ dưới tổng cục cũng rất có nhiều cục trực thuộc do vậy biên chế tăng rất lớn. Xem xét tình hình thực tế của bộ máy hành chính của nước ta hiện nay, xin đề xuất giải pháp hướng tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức cho phù hợp. Trước tiên đối với đơn vị hành chính các cấp, nên xem xét rà soát lại chức năng nhiệm vụ các chi cục trực thuộc sở, nếu thật cần thiết thì để lại, còn nên chuyển thành các phòng trực thuộc sở, vì trước đây các phòng ban cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu thực hiện được chắc chắn số lượng biên chế hành chính trong cả nước sẽ giảm đi rất nhiều. Tương tự đối với các bộ ngành trung ương cần xem xét chức năng các đơn vị Tổng cục trực thuộc các bộ, nếu thấy không cần thiết thì chỉ nên thành lập các Cục, vụ trực thuộc bộ, có như vậy chắc chắn số lượng biên chế của các bộ ngành trung ương sẽ giảm rất nhiều. Thứ hai đối với cán bộ công chức có độ tuổi từ 55 trở lên đối với nam và từ 50 tuổi trở lên đối với nữ , có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 30 năm trở lên, Nhà nước có chính sách cho phép họ có đơn tự nguyện xin về nghỉ hưu và không bị trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi chắc chắn sẽ có nhiều người tự giác xin về hưu, biên chế sẽ giảm. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên hi vọng trong thời gian tới, việc triển khai Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ đề ra có hiệu quả, sẽ có nguồn cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức viên chức nhà nước. MINH TRÍ

 

Nguồn tin: NLĐ Online

yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay4,049
  • Tháng hiện tại74,589
  • Tổng lượt truy cập41,255,190
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây