“3 không”
Classbook cài đặt sẵn trọn bộ sách giáo khoa (SGK) và sách bổ trợ theo chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu về khung chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT.
|
Hiện tại, trong SGK điện tử này có 310 đầu SGK và sách bài tập từ lớp 1 đến lớp 12. Trong suốt thời gian sử dụng thiết bị, người dùng có thể cập nhật miễn phí mọi tái bản các cuốn sách này. Ngoài ra, classbook còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng với các độ tuổi khác nhau.
Không chỉ dừng lại ở nội dung chuyển tải trong SGK truyền thống, SGK điện tử classbook còn hỗ trợ việc biên tập và gắn kết với những nội dung đa phương tiện mở rộng cho bài học và cung cấp những chức năng cho phép học sinh có thể tương tác với nội dung bài học.
Ví dụ, khi đọc sách tiếng Anh, học sinh có thể tra nghĩa của một từ bằng cách chạm từ đó trên màn hình, có thể sử dụng chức năng chạm để nghe phát âm chuẩn một câu, một đoạn văn hoặc cả bài học, có thể ghi âm lại giọng đọc của mình để đối chiếu với giọng bản ngữ hoặc xem các video bài giảng. Với môn âm nhạc, học sinh có thể nghe bài hát, xem biểu diễn bài hát đó hoặc hát theo nhạc đệm…
Theo ông Ngô Trần Ái, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, công cụ SGK điện tử sẽ là thiết thị hỗ trợ làm bài tập, tạo nên sự tương tác giữa người dùng và nâng cao sự hiểu biết cho người học.
Để phụ huynh không lo ngại khi học sinh dùng SGK điện tử để chơi game như các loại thiết bị tương tự khác, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục nhấn mạnh: “3 không” trong SGK điện tử là không wifi, không game, không có chức năng tự do cài đặt các ứng dụng ngoài.
GS Ngô Bảo Châu lo học sinh nông thôn thiệt thòi
Có mặt tại buổi lễ ra mắt, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ bên lề với báo giới: ở nước ngoài nhiều nước cũng đã ứng dụng SGK điện tử vào trường học nhưng chưa có nước nào ứng dụng một cách tổng thể như ở Việt Nam.
Ở nước ngoài không có một sản phẩm chung cho toàn bộ cấp học. Tôi có thể nói, so với phương pháp truyền thống thì classbook có cải tiến hơn, và tôi rất thích thiết bị này. Tuy nhiên, cần tập trung vào một số tiện ích có lợi, hiệu quả cho học sinh, thầy cô giáo và sự theo dõi của phụ huynh”, GS Châu đề nghị.
GS Ngô Bảo Châu băn khoăn: giá của SGK điện tử không phải là rẻ (4,8 triệu đồng), đây là một cản trở với học sinh vùng khó khăn.
Theo ý của GS Châu cần phải tìm nhiều cách để học sinh các nơi được tiếp cận với sách điện tử, không thể để hai học sinh đi học, em thì mang sách giấy, em thì mang thiết bị điện tử.
Ông Vũ Như Ý, nguyên Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, đề nghị: để đông đảo phụ huynh tiếp cận với SGK điện tử thì giá ra mắt sản phẩm này cần phải giảm so với giá trị thực.
Tuệ Nguyễn
Nguồn tin: Thanhnien