Trung Quốc đã có nhiều cuộc “vấp váp”, thất hứa với Việt Nam
Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, Trung Quốc ngày càng tiến thêm với ý đồ không tốt mà cả Việt Nam và nhân dân thế giới, những người yêu chuộng công bằng, công lý, những người hiểu biết quan hệ Trung-Việt đều rất bất bình.
|
Ông Phạm Thế Duyệt |
Tôi là người suy nghĩ nhiều nên luôn trăn trở và bức xúc với một câu hỏi “Vì sao, vì sao một nước mang danh XHCN mà đi làm như vậy với người anh em, người đồng chí của mình?”. Chúng ta đã nhún nhường, đã tìm những biện pháp để trao đổi, để đi đến lẽ phải bởi không ai là người hiểu đau thương trong chiến tranh bằng nhân dân Việt Nam. Không ai yêu tự do, tôn trọng chủ quyền đất nước, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền đất nước trong thế kỷ 20 bằng Việt Nam. Trung Quốc làm như vậy khiến cho nhân dân Việt Nam bức xúc và không thể đồng tình.
Hơn 1 tháng qua, chúng ta đã kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp để phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhưng Trung Quốc vẫn ngang ngược đưa cả các tàu quân sự và máy bay hộ tống vào vùng biển của Việt Nam, hung hăng đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam. Đây là điều hoàn toàn trái với pháp lý và đạo lý, gây dư luận không hay, nói theo khía cạnh tình nghĩa là hoàn toàn đi ngược lại mong muốn và tình hữu nghị của nhân dân Việt-Trung.
Theo ông Phạm Thế Duyệt, về vấn đề này xét ở khía cạnh lịch sử, có nhiều mốc đáng để ghi nhớ. "Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, chúng tôi đã có những mối quan hệ công việc, những lần tiếp xúc với các vị lãnh đạo Trung Quốc, nên suy nghĩ lắm. Suy nghĩ về những điều như mang danh một nước XHCN lớn đã có truyền thống gắn bó với Việt Nam nhưng cứ vấp đi vấp lại sai lầm, khuyết điểm của mình với một nước anh em".
Chúng ta không thể nói đất nước ta nhỏ bé thì phải nhún nhường. Đây là đạo lý và pháp lý, là mong ước của nhân dân hai nước để xây dựng XHCN tốt đẹp, gắn bó với nhau.
Cũng phải thẳng thắn nói rằng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã giúp đỡ Việt Nam nhiều trong quá trình xây dựng Đảng, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chúng ta biết ơn và đánh giá cao điều này. Bác Hồ cũng đã dạy coi mối quan hệ hữu nghị Việt-Trung là anh em, là đồng chí. Nhưng ngẫm đến hôm nay lại thấy xót xa.
Chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng nói “môi hở răng lạnh”, cuộc kháng chiến của Việt Nam chính là bảo vệ Trung Quốc chứ không có gì khác. Có lúc Trung Quốc đã thề với Việt Nam là 700 triệu nhân dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững mạnh của Việt Nam. Nhưng những gì Trung Quốc đã làm trong thời gian qua lại thể hiện sự thiếu suy ngẫm, thiếu công bằng và thiếu đạo lý, không tôn trọng pháp lý. Đã có nhiều cuộc “vấp váp”, thất hứa với Việt Nam và đi ngược lại lợi ích của nhân dân hai nước.
Mặc dù vấn đề đó không nên khơi lại nhiều, nhưng những lúc này không thể không nói. Từ chuyện chúng ta chuẩn bị giải phóng miền Nam năm 1972, đến chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, Trung Quốc đã làm gì với Việt Nam ai cũng biết. Điều đó tạo cho nhân dân Việt Nam sự bất bình, quan hệ giữa hai nước anh em mà lại làm như vậy sao. Việt Nam vừa trải qua cuộc chiến tranh thì phải giúp đỡ nhau, hoặc thẳng thắn cùng trao đổi trong tình hữu nghị chứ không phải tỏ thái độ của nước lớn, trịch thượng.
Không phải cứ nước bé là “ngậm miệng chịu thiệt”
Ông Phạm Thế Duyệt đánh giá cao chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ là kiên trì đàm phán và kiên quyêt đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình. Không phải cứ nước bé thì phải “ngậm miệng chịu thiệt”. Về nguyên lý cũng dễ hiểu nước bé nếu không cẩn thận dễ bị áp bức, đè nén, nhưng với Việt Nam đã từng chiến đấu và chiến thắng những đế quốc sừng sỏ nhất thì không bao giờ chịu khuất phục trước những điều bất công, trước ý đồ xấu, ý đồ bá quyền.
Ông Phạm Thế Duyệt đánh giá rất cao tinh thần hy sinh, vượt mọi khó khăn gian khổ của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân trên biển, sẵn sàng lăn xả vào những chỗ nguy hiểm để chứng minh cho thế giới thấy rõ Trung Quốc có những hành động sai trái như vậy. Đó là ý đồ mang tính quan điểm, chính trị lâu dài, mang ý đồ bá quyền, muốn áp chế Việt Nam, thôn tính Biển Đông.
Chúng ta đã thể hiện đường lối đấu tranh rất kiên trì, thể hiện rõ quan điểm của mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận ở Hội nghị Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu nhiều lần khẳng định trên các diễn đàn quan trọng trong nước và quốc tế, các Phó Thủ tướng đã lên tiếng để khẳng định rõ quan điểm là Việt Nam kiên định và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việt Nam luôn cầu thị, không phải vì chúng ta sợ mà chúng ta không muốn tạo sự “bùng nổ”, không có lợi cho cả Việt Nam, cho cả Trung Quốc. Không phải chúng ta nhỏ bé thì phải chịu thua. Lịch sử Việt Nam chứng minh rồi. Vì thế nhân dân ta, từ già đến trẻ không ai không bức xúc với thái độ nước lớn, kẻ cả, ức hiếp, đổi trắng thay đen của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nhưng tôi chắc chắn đạo lý là đạo lý, nhân dân thế giới đều biết. Việt Nam nói và làm vì quyền lợi chính đáng của nhân dân. Những nước trước là thù địch cũng tỏ thái độ ủng hộ Việt Nam, ủng hộ lẽ phải”, ông Phạm Thế Duyệt bày tỏ.
Trung Quốc phải tự kiểm lại mình, đường lối đối nội thế nào thì cũng dễ có những cái bất chấp để đối ngoại không hay.
Việt Nam đã có các bước chuẩn bị từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, Việt Nam không muốn gây sự, nhưng đạo lý, pháp lý phải làm rõ, không thể chấp nhận Trung Quốc bảo sao Việt Nam phải làm vậy, nói sao nghe vậy, ý muốn sao thì phải thực hiện thế. Chúng ta đã có hơn 30 cuộc đối thoại, đã có Công hàm gửi Liên Hợp Quốc phản đối hành động của Trung Quốc… nhưng Trung Quốc cố tình làm ngơ, không nghe, thậm chí vu cáo, xuyên tạc, nhưng ta kiên quyết đấu tranh, giữ lẽ phải, pháp lý của Việt Nam cũng là của quốc tế mà Trung Quốc phải tuân theo đó là Luật Biển 1982, là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông DOC…
Trước khi thực hiện các bước pháp lý, điều gì là tiếng nói của dân, lòng dân, sức mạnh của dân đều là quyết định. Với Việt Nam, độc lập và chủ quyền dân tộc là thiêng liêng, là lớn lao.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Ý kiến bạn đọc