Cụ thể theo biểu lãi suất niêm yết công bố áp dụng từ sáng 18.3, cả Eximbank và Sacombank đều đưa lãi suất các kỳ hạn 1-5 tháng lĩnh lãi cuối kỳ xuống bằng mức 6% như quy định của NHNN. Các mức lãi suất áp dụng cho hình thức lĩnh lãi trước hay lĩnh lãi tháng của các kỳ hạn 1-5 tháng cũng được hai ngân hàng giảm xuống dưới mức 6%.
NHTM cổ phần Quốc tế (VIB) trong buổi sáng hôm nay cũng áp dụng mức lãi suất 5,9% cho một loạt các kỳ hạn huy động từ 1 tháng đến 5 tháng. Trong lúc nhiều NHTM quy mô lớn như Vietcombank sớm công bố áp dụng các mức lãi suất 5,5-6% cho các kỳ hạn tiết kiệm 1,2 và 3 tháng. Tương tự, Vietinbank sáng 18.3 cũng áp dụng mức lãi suất tăng dần từ 5,5% lên đến 6% cho các kỳ hạn huy động ngắn, từ 1 tháng đến 6 tháng.
Một diễn biến đáng chú ý là dù điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện vẫn được duy trì ở mức khá cao đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Tại Eximbank, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tăng dần từ mức 6,6% lên 7,8%, lãi suất huy động các kỳ hạn này tại Sacombank cũng tăng dần từ 6,6% lên mức cao nhất 8,5% và thậm chí tại một ngân hàng lớn như Vietcombank, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên hiện cũng tăng dần từ 6,5% lên mức cao nhất tới 8%/năm.
Trong khi đó, cho đến 10h sáng nay, biểu lãi suất huy động niêm yết tại giao diện điện tử chính thức của nhiều NHTM lớn như Agribank, BIDV hay ACB vẫn chưa có các điều chỉnh hay cập nhật. Các mức lãi suất huy động áp dụng với các kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn được các nhà băng này giữ nguyên như trước khi có quyết định giảm lãi suất của NHNN.
Với mặt bằng lãi suất mới đang được hình thành theo xu hướng giảm mạnh ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, xuất hiện không ít lo ngại về nguy cơ vốn tiền đồng sẽ chạy khỏi hệ thống ngân hàng và dịch chuyển sang một số kênh đầu tư khác đang hồi phục như chứng khoán hay bất động sản...
Đến sáng 18.3 dù quyết định giảm lãi suất của NHNN có hiệu lực, nhiều ngân hàng vẫn chưa điều chỉnh giảm.
Song theo phân tích của TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, khả năng này là có nhưng không nhiều. “NHNN chỉ hạ lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng và giữ nguyên cơ chế lãi suất thỏa thuận với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nên tôi cho rằng, chỉ có vốn gửi ngắn hạn tại các ngân hàng sẽ tạm thời được rút ra để lướt chứng khoán”…
Cũng theo một đánh giá, với sự chênh lệch rõ rệt về lãi suất giữa các kỳ hạn như hiện này, nhiều khả năng một phần vốn gửi ngắn hạn dưới 6 tháng sẽ dịch chuyển sang các kỳ hạn gần hơn như 6 hay 7 tháng nhằm hưởng lãi suất cao hơn.
Hơn nữa, với kỳ vọng lãi suất huy động còn có khả năng tiếp tục giảm trong tương lai, việc gửi tiền ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng vốn đang có lãi suất cao nhất tới 8,5-9% cũng là một lựa chọn cần được xem xét đối với người có tiền nhàn rỗi.
Nguồn tin: Lao động