Đối tượng của lệnh cấm vận, theo lý giải của Mỹ, là những người đã ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Danh sách bao gồm các cố vấn của Tổng thống Nga V.Putin, một quan chức chính quyền cao cấp, các nghị sĩ cao niên, quan chức Crimea, cựu Tổng thống Ukraine bị lật đổ Yanukovych và một chính trị gia, doanh nhân Ukraine bị cáo buộc có mối liên hệ chặt chẽ với làn sóng bạo lực chống lại người biểu tình ở Kiev.

Song rõ ràng, lệnh cấm vận trên chẳng gây hề hấn gì với Nga vì chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của Crimea – một bước tiến để hợp thức hóa việc sáp nhập lãnh thổ này vào Nga.

 

Những người Nga và Ukraine trong danh sách bị cấm vận cũng xem quyết định của Mỹ như một trò “bông phèng” chính trị. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã viết trên tài khoản Twitter rằng: “Thưa đồng chí Barack Obama, điều này có ý nghĩa gì với những người chẳng có tài khoản hay tài sản nào ở nước ngoài? Hay ông thậm chí chưa nghĩ đến nó?” (Comrade @BarackObama, what should do those who have neither accounts nor property abroad? Or U didn’t think about it?”). Ông Rogozin được cho là người bạn thân thiết của tài tử điện ảnh Mỹ Steve Seagan.

Phó Thủ tướng Nga Rogozin.

Ông Vladislv Surkov - một chính trị gia Nga khác có tên trong danh sách trừng phạt - thậm chí còn gọi lệnh cấm vận của Mỹ là “một niềm vinh dự lớn lao”. “Tôi chẳng có tài khoản ở nước ngoài. Điều duy nhất tôi quan tâm đến tại Mỹ là các nghệ sĩ Tupac Shakur, Allen Ginsberg và Jackson Pollock. Nhưng tôi chẳng cần thị thực để được tiếp cận các sản phẩm của họ. Tôi chẳng mất gì” – ông Surkov bày tỏ trên báo.

 

Lệnh trừng phạt bao gồm phong tỏa bất cứ tài sản nào họ có trên đất Mỹ; cấm các ngân hàng Mỹ được hợp tác với những người có tên trong danh sách; cấm những cá nhân này được đến Mỹ.