Trong khuôn khổ cuộc triển lãm này, lần đầu tiên TP Đà Nẵng đưa ra trưng bày 6 tư liệu gốc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH - trước năm 1975) có liên quan đến việc xác lập, khẳng định và bảo vệ một cách hợp pháp, liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trước khi quần đảo này bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép ngày 19.01.1974.
Ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa cho hay, trong thời gian qua UBND huyện Hoàng Sa đã sưu tập được hàng chục tư liệu tương tự, nhưng nay mới đến thời điểm phù hợp để đưa ra trưng bày.
Do không gian trưng bày tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng có hạn nên chỉ mới giới thiệu 6 tư liệu. Đến cuộc triển lãm tại Bảo tàng Đà Nẵng vào ngày 19.1.2014 sẽ tiếp tục có thêm nhiều tư liệu trong số đó được đưa ra trưng bày.
Trước đó, cuối năm 2012, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cũng đã hoàn thành và chính thức được nghiệm thu báo cáo khoa học: “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu tữ của chính quyền VNCH (1954 – 1975)”.
Trong đó đã tham khảo hàng ngàn trang tư liệu và thực tế đã tập hợp hơn 500 trang tư liệu với 72 văn bản hành chính, 30 bài báo, 1 bản đồ và nhiều hình ảnh tư liệu mà như kết luận của báo cáo đã nêu rõ là “khẳng định tính liên tục về chủ quyền đối với một phần lãnh thổ (quần đảo Hoàng Sa) của Việt Nam đã được chiếm hữu lâu đời một cách hòa bình của một quốc gia (VNCH) đã được Liên hiệp quốc công nhận”.
Công điện số 25 của Chỉ huy đảo Ducan (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) gửi Tỉnh đoàn Bảo an Quảng Nam và Nha Bảo an TNTP về việc ngày 26.2.1961 xuất hiện một chiếc thuyền hai lườn cách khoảng 3 cây số từ hướng Đông Bắc chạy vào eo biển của đảo Ducan. Trên đảo đã cho bắn chỉ thiên để gọi nhưng chiếc thuyền này không vào mà chạy luôn về hướng Bắc rồi cập lên một đảo nhỏ cách đảo Ducan chừng 10 cây số. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) |
Công điện mật của đảo Ducan gửi Bảo an Quảng Nam trình báo về nhân thân của 9 người Trung Quốc trên một chiếc thuyền từ đảo Hải Nam cập vào đảo Hoàng Sa lúc 05h35 ngày 01.03.1961, gồm 01 sĩ quan truyền tin, 01 giáo sĩ, 7 người dân. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) |
Tờ trình của Cơ quan đảo Hoàng Sa gửi Đại úy Phó tỉnh trưởng Quảng Nam phụ trách nội an về việc giao và dẫn giải 9 người Trung Quốc kể trên vào đất liền. Trong đó nêu rõ, đảo Hoàng Sa do các đơn vị hải quân của Việt Nam chiếm đóng. Cơ quan trên đảo đã tiếp đón 9 người Trung Quốc. Đồng thời tỉnh Quảng Nam đã trình Bộ Nội vụ (VNCH) và Bộ đã chỉ thị cho dẫn giải 9 người này đến trạm tiếp đón ở Huế. Cơ quan trên đảo Hoàng Sa đề nghị Hải khu Đà Nẵng cho tàu đưa 9 người này vào đất liền. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) |
Cũng theo kết luận này: “Đến cuối năm 1954, Trung Quốc vẫn không hề có một sự hiện diện nào hay hoạt động nào tại Hoàng Sa. Việc Trung Quốc lén lút đã quân đội chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm (đảo Boisée) tiến đến chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là một hành động dựa trên uy lực của một nước lớn, đi ngược lại công pháp quốc tế về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ phải được tiến hành bằng thương lượng hòa bình. Và trong quá trình đó, VNCH đã đấu tranh và có những hoạt động khẳng định, thực thi chủ quyền liên tục trên tất cả các lĩnh vực quân sự, kinh tế, hành chính, ngoại giao…”.
Báo cáo khoa học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Tư liệu của đề tài này là những cứ liệu quan trọng để chúng ta phản bác lại nhiều luận điểm của Trung Quốc, phản bác lại sự viện dẫn Công hàm ngoại giao ngày 14.9.1958 do Thủ tướng Chính phủ Nước VNDCCH Phạm Văn Đồng ký, để Trung Quốc dựa vào đó cho rằng Công hàm này là sự thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc.
Tư liệu cũng cho thấy nhiều văn bản ngoại giao, luật biển, sắc lệnh thành lập đơn vị hành chính của chính quyền VNCH dành cho Hoàng Sa lúc bấy giờ không hề gặp sự phản kháng của bất kỳ nước nào, kể cả Trung Quốc. Và sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay chính quyền VNCH là bất hợp pháp; trách nhiệm để mất Hoàng Sa là từ chính quyền VNCH… Tất cả những cứ liệu đó sẽ cung cấp cho Việt Nam những lý lẽ vững chắc để đấu tranh theo công pháp quốc tế trong thời gian tới”.
Tờ “Sự vụ lệnh” ký ngày 14.10.1969 do Đại tá Lê Trí Tín, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng Nam, cấp cho Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức (số quân: 805.580, đơn vị gốc: Trung đội Hoàng Sa thuộc Tiểu khu Quảng Nam) về việc thay quân Hoàng Sa đợt 38. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) |
Danh sách 35 quân nhân thuộc Trung đội Hoàng Sa đợt 38 (dự trù thay quân ngày 15.10.1969) do Đại tá Lê Trí Tín, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng Nam, ký ngày 13.10.1969. Trong đó, Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức là đảo trưởng, còn lại là các trung sĩ, binh nhất và binh nhì. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) |
Tờ “Sự vụ lệnh” do Đại tá Lê Trí Tín, Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng Nam, ký ngày 03.02.1970, cấp cho 35 quân nhân (có tên trong danh sách) thuộc Trung đội Hoàng Sa đợt 38 mãn nhiệm kỳ. (Ảnh chụp lại từ tư liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam”) |
Qua nghiên cứu, báo cáo khoa học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ: “Tư liệu liên quan đến Hoàng Sa của chính quyền VNCH trong đề tài này có một vị trí quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, ý chí quốc gia của nhân dân Việt Nam đối với phần lãnh thổ thiêng liêng này của Tổ quốc và cho thấy, bất kỳ chế độ chính trị nào, bất kỳ chính phủ nào của người Việt Nam đều xem Hoàng Sa là phần lãnh thổ máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam như đã được gìn giữ, khẳng định từ bao đời nay”.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng kiến nghị: “Cho đến nay, khối lượng tư liệu về quần đảo Hoàng Sa sản sinh ra dưới chính quyền VNCH từ năm 1954 đến năm 1975 vẫn chưa được khai thác, sử dụng một cách đúng mức. Đây là giai đoạn lịch sử mà các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc quyền quản lý của chính quyền VNCH, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, được Liên hiệp quốc công nhận.
Vì vậy, tư liệu của chính quyền VNCH liên quan đến Hoàng Sa giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định tính liên tục, ý chí chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của công pháp quốc tế.
Thế nhưng, do sự ràng buộc bởi quy chế bảo quản, bảo mật tư liệu theo quy định của Nhà nước nên việc tiếp cận, nghiên cứu, khai thác, sử dụng khối tư liệu này còn rất hạn chế (về đối tượng được sử dụng). Điều này gây trở ngại rất nhiều cho các cá nhân, đơn vị muốn nghiên cứu và công bố tư liệu về Hoàng Sa để phục vụ cho công cuộc đấu tranh đòi chủ quyền của nước ta hiện nay.
Chúng tôi đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những quy định thông thoáng hơn cho mọi người dân, học giả trong và ngoài nước được tiếp cận, nghiên cứu khối lượng tài liệu quý giá này”.