Được biết, đây là đập thủy điện thứ hai nằm trên dòng chính của sông Mekong chính thức được Lào khởi công xây dựng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Sonexay cho biết dự án sẽ đem lại tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và góp phần vào công tác giảm nghèo của Lào bằng việc xuất khẩu điện sang các nước láng giềng (thị phần cao nhất là Thái Lan).
Trên thực tế, công tác xây dựng thủy điện Don Sahong đã bắt đầu từ tháng 10/2015, tính tới thời điểm hiện tại, công trình đã hoàn thành được 8% khối lượng cần xây dựng.
Dự án có công xuất thiết kế 260MW, với kinh phí xây dựng khoảng trên 500 triệu USD. Theo tính toán của nhà thầu, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.
Dự án thủy điện Don Sahong là một phần quan trọng trong mục tiêu của Chính phủ Lào với mong muốn có thêm một nguồn doanh thu lớn từ việc xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Lào xây thủy điện Don Sahong. Ảnh: TTO |
Tuy nhiên, do nằm trên dòng chính sông Mekong nên việc xây dựng dự án thủy điện này đã vấp phải hàng loạt chỉ trích và phản đối của các tổ chức quốc tế cũng như của các nước láng giềng ở khu vực hạ lưu sông Mekong.
Nhiều nước nằm trong lưu vực sông Mekong trong đó có Việt Nam đã lo ngại rằng con đập này sẽ khiến dòng chảy của sông Mekong bị thay đổi mạnh mẽ, làm giảm lượng phù sa trôi xuống hạ lưu, gây gián đoạn luồng thủy sản, dẫn đến thiệt hại cho các cộng đồng dân cư ở hạ nguồn.
Tại Diễn đàn sông Mekong Mở rộng về Nước, Lương thực và Năng lượng tại Phnom Penh diễn ra vào ngày 20/10/2015 các chuyên gia đã nhận định, lượng cá hiện hữu nhiều khả năng sẽ giảm mạnh trong nhiều năm tới và điều này làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh lương thực trong khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng từ việc xây thủy điện của Lào.
Trước đó, hồi tháng 6/2015 cuộc đàm phán về đập Don Sahong giữa 4 nước thành viên Ủy hội Sông Mekong (MRC), gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Theo nghiên cứu của Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, sản lượng cá do sông Mekong mang lại đang dần cạn kiệt. Ước tính lượng cá ở vùng châu thổ hạ lưu sông Mekong có giá trị lên đến 7 tỉ USD/năm. Hơn một nửa trong số cá này nằm ở Việt Nam và Campuchia. Lượng tiêu thụ cá trung bình tính trên đầu người ở mức 46 kg mỗi năm.
Nhiều chuyên gia quốc tế cũng lên tiếng cảnh báo ảnh hưởng từ các đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Lào trên thượng nguồn sẽ khiến hạ lưu sông Mekong sớm cạn sạch cá và tình trạng xói mòn dọc bờ biển sẽ càng tồi tệ hơn, xâm nhập mặn sẽ làm mất nhiều diện tích canh tác lúa tại Việt Nam.
Và thực sự, những cảnh báo này đã trở thành sự thật khi mà mùa khô năm nay (2016) nước mặn đã xâm nhập ở ĐBSCL gây thiệt hại trên 200.000 ha lúa và 2.000 ha tôm nuôi quảng canh bị thiệt hại.
Đồng thời, gây ảnh hưởng đến 9.400 ha cây ăn quả và 258 nghìn cây giống bị chết. Gần 226 nghìn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, nhiều trường học, trạm xá, cơ sở sản xuất bị thiếu nước ngọt...
Bàn về giải pháp tìm nguồn nước cho ĐBSCL do tác động của những con đập, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lo lắng,
"Ở ĐBSCL lâu nay có 2 vùng chứa nước lũ là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Thế nhưng, người ta bất chấp quy luật, xây dựng hết nhà cửa, đường sá, bê tông hóa và các vùng đó không còn chứa lũ nữa. Tình trạng ấy cũng giống như ở ngoài Bắc, mực nước ngầm xuống thấp, có con sông Hồng để cung cấp nước thì đến mùa cạn đã bị kiệt nước.
Bởi mùa lũ không chịu tích nước, tạo nguồn nước ngầm nên đến mùa kiệt cả ĐBSCL, ĐBSH không có nước. Như ở ĐBSH, sông Hồng chứa được 1 tỷ m3 nước, do quản lý lỏng lẻo nên người dân xây dựng bừa bãi, vi phạm hành lang thoát lũ khiến khu vực này không có không gian chứa lũ. Các chuyên gia thế giới, nhất là Hà Lan khuyến cáo Việt Nam rất nhiều rằng phải có một không gian để chứa lũ nhưng giờ không gian ấy không còn".
Lê Vũ (Tổng hợp)
Nguồn tin: baodatviet