Đại sứ Trung Quốc đã chính thức lên tiếng cảnh báo về thương vụ làm ăn bị đổ bể với Australia trong dịch vụ cung cấp mạng lưới điện lớn nhất quốc gia này.
Trong một thông báo gửi tới báo The Australian hôm 16/8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia cảnh báo rằng việc chính phủ Australia quyết định sơ bộ từ chối lời chào mua mạng lưới điện lớn nhất trị giá 7,7 tỷ USD cho Tập đoàn điện lưới nhà nước Trung Quốc và Công ty hạ tầng Cheung Kong (CKI) của Hong Kong cho thấy “khuynh hướng bảo hộ rõ ràng” và tác động đáng kể tới lòng tin của các nhà đầu tư Trung Quốc.
"Chính phủ Trung Quốc vô cùng quan ngại về thông báo của Bộ trưởng Tài chính Australia về quyết định sơ bộ ngăn chặn thương vụ mua bán điện… dựa trên lý do về an ninh quốc gia”, thông báo trên viết.
Trung Quốc bị hụt thương vụ với Úc chỉ cảnh cáo nhẹ nhàng. |
Đồng thời, cơ quan đại diện này cho biết, việc từ chối thương vụ mua bán lưới điện lần này “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nhiệt thành của các doanh nghiệp Trung Quốc khi muốn đến và đầu tư vào Australia".
Đại sứ quán Trung Quốc viện dẫn: “Phía Australia nhiều lần nói rằng họ hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Australia, nhưng những quyết định (từ chối) của họ đang cho thấy chiều hướng ngược lại. Phía Trung Quốc hy vọng chính phủ Australia sẽ nỗ lực để tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại công bằng, hấp dẫn và minh bạch hơn cho các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison công bố thông tin từ chối thương vụ mua bán điện lưới này bởi các đề xuất đầu tư nước ngoài từ các nhà thầu Trung Quốc và Hong Kong “đi ngược với lợi ích quốc gia” của Australia.
Tập đoàn điện lưới nhà nước Trung Quốc và Công ty hạ tầng Cheung Kong khi đó muốn mua 50,4% cổ phầm kiểm soát trong Ausgrid, mạng lưới phân phối điện của bang New South Wales, cũng đồng thời là mạng lưới lớn nhất tại Australia.
Thương vụ này có thể cho phép các nhà thầu Trung Quốc và Hong Kong nắm cổ phần kiểm soát tại Ausgrid trong vòng 99 năm.
Phản ứng có tính chất nhẹ nhàng này từ phía Trung Quốc đối với Australia xét thấy có sự khác biệt hoàn toàn so với các thương vụ gần đây bị từ chối của quốc gia này với các nước khác. Đặc biệt là thời gian qua, Australia đã từ chối 2 lần các thương vụ tới từ phía Trung Quốc.
Cách đó chưa lâu, Tập đoàn Điện hạt nhân của Trung Quốc cũng bị Chính phủ Anh từ chối thương vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point mà Tập đoàn này góp vốn 33%.
Trung Quốc đã chọn lựa cách phản ứng mạnh mẽ hơn. Đại sứ của Trung Quốc Lưu Hiểu Minh đã nhắc tới sự ảnh hưởng giữa quan hệ song phương chứ không chỉ là các ảnh hưởng ở mức các doanh nghiệp giữa hai nước.
Tờ Thời báo Tài chính (Anh) hôm 9/8 dẫn lời Đại sứ Lưu Hiểu Minh kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Anh sớm bật đèn xanh cho dự án xây dựng điện hạt nhân Hinkley Point, kèm theo cảnh báo quan hệ song phương có thể chịu thiệt hại nếu dự án không khả thi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó có những tuyên bố mềm mỏng hơn.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng dự án này đã được nhất trí bởi ba bên là Trung Quốc, Anh và Pháp, trên tinh thần mang lại lợi ích và hợp tác cùng có lợi... Chúng tôi hy vọng rằng Anh có thể đi đến kết luận sớm nhất có thể, đảm bảo việc thực thi diễn ra suôn sẻ", bà Oánh nói.
Đối với Trung Quốc, dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây sẽ mở cánh cửa cho ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc vào phương Tây.
Trung Quốc thời gian qua với cái mác "hàng lởm", "không đúng kỹ thuật, không đủ tiêu chuẩn đã nhận nhiều lời từ chối các thương vụ béo bở.
Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point từ chối Trung Quốc tham gia góp vốn. |
Sản phẩm tàu cao tốc của Công ty Cổ phần Đường sắt China Southern Railway (CSR) Qingdao Sifang (Trung Quốc) hợp tác với Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries của Nhật dự kiến cấp cho Singapore trước đó cũng đã bị gửi trả lại.
Trước sự kiện Singapore gửi trả Trung Quốc 26 tàu cao tốc kém chất lượng, vào tháng 6 vừa qua, Công ty XpressWest của Mỹ cũng thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI).
Phía XpressWest nói rằng quyết định chấm dứt quan hệ với CRI chủ yếu do những khó khăn liên quan tới thi công và thách thức CRI phải đối mặt trong việc đáp ứng những yêu cầu cần thiết về ủy quyền hoạt động. Công ty tư nhân này của Mỹ cũng tiết lộ thêm rằng thách thức lớn nhất của họ là những yêu cầu của chính quyền liên bang đòi hỏi các tàu cao tốc phải được sản xuất trong nước để đảm bảo sự phê chuẩn.
Quế Chi (Tổng hợp)
Nguồn tin: baodatviet