Hôm 16/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã có cuộc hội đàm tại Sochi.
Trong cuộc hội đàm này, người đứng đầu Kazakhstan cho hay Tổng thống Ukraine đã sẵn sàng các bước nhượng bộ về việc trao quy chế đặc biệt cho vùng Donbass, song Quốc hội nước này không ủng hộ.
Thông tin này được Tổng thống Kazakhstan cho hay, ông Petro Poroshenko đã gọi điện cho ông và nói rằng vì không có đa số trong quốc hội Ukraine nên ông không được quy chế đặc biệt cho Donbass và một vùng thứ hai (có lẽ là tỉnh Donetsk và Lugansk).
"Cá nhân tôi nghĩ, ông (Poroshenko) nghiêng về nhượng bộ, nhưng vẫn không tìm ra được nhượng bộ", Tổng thống Kazakhstan bày tỏ.
Tổng thống Nga và Tổng thống Kazakhstan gặp mặt hôm 16/8. Ảnh: RT |
Được biết, cuộc điện đàm giữa người đứng đầu nhà nước Kazakhstan và Ukraine đã diễn ra từ hồi tháng 7. Theo Thông tấn TASS của Nga, Tổng thống Poroshenko đã đề nghị Tổng thống Nazarbayev tiếp tục vai trò trung gian trong giải quyết khủng hoảng ở miền Đông- Nam nước mình.
Báo Lenta hôm 16/8 cũng dẫn cuộc trả lời phỏng vấn của Ngoại trưởng Ukraine - Pavlo Klimkin trên tờ nhật báo của Đức Der Standard cho biết, Kiev không muốn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow.
“Chúng tôi có hàng triệu người Ukraine ở Nga mà chúng tôi cần phải quan tâm. Nếu Nga quyết định phá vỡ mối quan hệ ngoại giao, trách nhiệm sẽ thuộc về họ”, Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Klimkin cũng nói rằng “Ukraine không cố gắng tiến hành các cuộc đàm phán với Nga về Crimea”.
Điều này cho thấy một nhận định rõ ràng của Ukraine về một mảnh đất đã ra đi là điều phải chấp nhận.
Cùng hôm 16/8, cuộc điện đàm giữa 3 bên Ukraine, Pháp, Đức đã diễn ra nhằm bàn thảo về tình hình bất ổn hiện nay tại Đông Nam Ukraine, nơi Nga đang gia tăng các động thái quân sự sau cáo buộc Ukraine âm mưu tấn công khủng bố vào bán đảo Crimea.
Cuộc điện đàm được tổ chức theo đề xuất của Tổng thống Ukraine Poroshenko. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cảnh báo về sự leo thang các căng thẳng xung đột ở miền Đông Ukraine, kêu gọi Nga và Ukraine tôn trọng Thỏa thuận ngừng bắn Minsk, đạt được ngày 12/2/2015.
Tổng thống Pháp cũng thúc giục các nỗ lực chung nhằm thực thi thỏa thuận trên trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp).
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố không có giá trị và ý nghĩa về bàn đàm phán bộ tứ Normandy, đặc biệt là sau các động thái phía Nga cáo buộc là khủng bố từ phía Ukraine.
Cuộc chiến ly khai ở miền Đông Ukraine đã diễn ra suốt 2 năm nay và làm leo thang các căng thẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa đối với quan hệ Nga- Ukraine cùng các quốc gia phương Tây.
Sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Moscow cũng áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế ngược lại với Ukraine và châu Âu.
Trong năm 2016, kinh tế Ukraine ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ USD do lệnh cấm vận kinh tế của Nga. Đây là con số thống kê được Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Natalia Mikolskaya công bố ngày 17/8.
Đồ họa thiết bị quân sự Nga đặt tại bán đảo Crimea. Ảnh: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) |
Trong khi đó, việc Nga tăng cường các vũ khí quân sự giáp biên giới cũng làm cho Ukraine tăng cường các động thái tương xứng.
Quân đội Ukraine đã đặt mình vào trạng thái báo động và thực hiện động viên lực lượng, khiến nước này phải chi thêm ngân sách. Tình hình này cũng đe dọa làm suy yếu thêm nền chính trị vốn đã mong manh của Ukraine.
Đông Phong (Tổng hợp)
Nguồn tin: baodatviet