Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới

Thứ tư - 14/08/2013 23:35 1.149 0
Trong các vấn đề quốc tế, không có bất kỳ nhân vật nào được cả một thế hệ các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và thế giới háo hức "săn lùng", thường xuyên tham khảo ý kiến và chăm chú lắng nghe bằng "nhà hiền triết" của Singapore.



Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới là một tuyển tập các ý kiến của vị "chiến lược gia của các chiến lược gia" này về nhiều vấn đề thời cuộc nổi cộm, như sự "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc, những lo ngại về vai trò của Mỹ, tương lai quan hệ Trung - Mỹ, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, địa chính trị và toàn cầu hóa..., do các tác giả Graham Allison, Robert D.Blackwill và Ali Wyne phỏng vấn và tuyển chọn.
Một số trích đoạn:

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có nghiêm túc trong chuyện thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc số 1 ở châu Á hay không? Hay trên toàn thế giới?

- Lý Quang Diệu: Dĩ nhiên rồi. Tại sao lại không chứ? Họ đã biến cải một xã hội nghèo nàn bằng một phép màu kinh tế để giờ đây trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - và đang trên đường, như dự đoán của Goldman Sachs (tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới), trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm tới.

Họ bám sát vị trí dẫn đầu của Mỹ trong việc đưa người vào vũ trụ và bắn hạ các vệ tinh bằng tên lửa. Họ sở hữu một nền văn hóa 4.000 năm với một dân số 1,3 tỉ người, rất nhiều người trong số đó là những tài năng lớn - một nguồn lực dồi dào và rất giỏi để khai thác. Làm sao họ lại không thể có tham vọng trở thành số 1 ở châu Á, và sớm muộn cũng là trên thế giới, được cơ chứ?

Hiện nay, Trung Quốc là nước đang phát triển nhanh nhất thế giới, tăng trưởng với tốc độ không thể hình dung nổi nếu cách đây 50 năm, một quá trình biến đổi ngoạn mục mà không ai dự đoán được... Người Trung Quốc đặt ra những mong muốn và kỳ vọng của họ. Mọi người Trung Quốc đều muốn một đất nước Trung Quốc giàu mạnh, một quốc gia thịnh vượng, phát triển và giỏi mặt công nghệ như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Sự thức tỉnh lại ý thức về vận mệnh này chính là một sức mạnh khó cưỡng.

Người Trung Quốc muốn chia sẻ thế kỷ này ngang bằng với người Mỹ.

Ý định của Trung Quốc là trở thành cường quốc lớn nhất thế giới. Các chính sách của mọi chính phủ đối với Trung Quốc, đặc biệt các nước láng giềng, đều phải tính đến vấn đề này. Các chính phủ ấy phải xác định lại vị thế của chính họ bởi vì họ biết rằng sẽ có nhiều hậu quả nếu họ ngăn trở Trung Quốc khi lợi ích cốt lõi của quốc gia đó bị đe dọa. Trung Quốc có thể áp đặt trừng phạt kinh tế chỉ bằng cách không cho tiếp cận thị trường 1,3 tỷ dân có thu nhập và sức mua ngày càng tăng lên của mình.

Khác với các quốc gia đang trỗi dậy khác, Trung Quốc muốn được là Trung Quốc và được nhìn nhận như vậy, chứ không phải chỉ là thành viên danh dự của phương Tây.


Chiến lược của Trung Quốc để trở thành số 1 là gì?

- Người Trung Quốc quyết định rằng chiến lược tốt nhất của họ là xây dựng một tương lai hùng mạnh và thịnh vượng, và sử dụng đội ngũ lao động đông đảo có học vấn và kỹ năng ngày càng cao để đẩy mạnh thương mại và kiến tạo tất cả những thứ khác. Họ sẽ tránh bất kỳ hành động nào làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Hoa Kỳ. Việc thách thức một cường quốc mạnh hơn và ưu việt hơn về công nghệ như Hoa Kỳ sẽ làm hỏng “sự trỗi dậy hòa bình” của họ.

Trung Quốc đang theo đuổi một cách tiếp cận phù hợp với những ý tưởng trong bộ phim truyền hình Sự trỗi dậy của các cường quốc” (The Rise of Great Powers) do Đảng sản xuất để định hình cho quá trình thảo luận về vấn đề trên trong giới tinh hoa Trung Quốc. Sai lầm của Đức và Nhật Bản là ở chỗ hai nước này tìm cách thách thức trật tự hiện tại. Người Trung Quốc không ngu ngốc, họ tránh sai lầm này…

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), không phải GDP bình quân đầu người, chính là điều có ý nghĩa về mặt sức mạnh…

Trung Quốc sẽ không sớm đạt tới đẳng cấp của Mỹ về mặt năng lực quân sự, nhưng lại đang nhanh chóng phát triển các phương tiện không tương ứng để thách thức sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Trung Quốc hiểu rằng sự tăng trưởng của mình tùy thuộc vào hàng nhập khẩu, bao gồm cả năng lượng, nguyên liệu thô và lương thực…

Trung Quốc cũng cần những tuyến đường biển mở. Bắc Kinh rất lo lắng về sự lệ thuộc của mình vào eo biển Malacca và đang nỗ lực chấm dứt sự lệ thuộc này.

Người Trung Quốc tính toán rằng họ cần 30 đến 40, có lẽ là 50 năm hòa bình và yên ổn để bắt kịp, xây dựng hệ thống của họ, thay đổi nó từ hệ thống cộng sản chủ nghĩa thành hệ thống thị trường. Họ phải tránh những sai lầm mà Đức và Nhật Bản đã mắc phải. Sự cạnh tranh quyền lực, ảnh hưởng và các nguồn tài nguyên của những nước này đã dẫn tới hai cuộc chiến tranh khủng khiếp ở thế kỷ trước…

Sai lầm của người Nga là đầu tư quá nhiều cho chi tiêu quân sự và quá ít cho công nghệ dân sự. Cho nên nền kinh tế của họ sụp đổ. Tôi tin giới lãnh đạo Trung Quốc đã học được rằng nếu anh cạnh tranh với Mỹ bằng vũ khí, anh sẽ thua. Anh sẽ tự phá sản. Cho nên, để tránh điều này, hãy cúi đầu và mỉm cười, trong 40 hoặc 50 năm.

Để cạnh tranh được, Trung Quốc tập trung vào giáo dục thế hệ trẻ, lựa chọn những người giỏi nhất trường vào khoa học và công nghệ, tiếp theo là kinh tế, quản trị kinh doanh và tiếng Anh.


Liệu có phải Hoa Kỳ đang trong giai đoạn thoái trào?

- Hoàn toàn không. Hoa Kỳ đang trải qua một giai đoạn gập ghềnh với những khoản nợ và thâm hụt, nhưng tôi tin chắc rằng Hoa Kỳ sẽ không bị tụt hạng xuống vị trí thứ hai.

Về mặt lịch sử, Hoa Kỳ đã chứng tỏ được khả năng đổi mới và tồn tại rất mạnh mẽ. Sức mạnh của nước Mỹ không phải chỉ có lối tư duy đã thành nếp mà là ở khả năng bao quát, sáng tạo và thực tiễn; sự đa dạng của những trung tâm xuất sắc có khả năng cạnh tranh trong việc phát minh và tiếp nhận những ý tưởng và công nghệ mới; một xã hội thu hút được nhân tài từ khắp nơi trên thế giới và đồng hóa họ thành người Mỹ một cách dễ dàng; và một ngôn ngữ tương thích với một hệ thống mở và rõ ràng là ngôn ngữ chung của giới lãnh đạo về khoa học, công nghệ, sáng chế, kinh doanh, giáo dục, ngoại giao, và cả những người vươn lên vị trí đứng đầu trong xã hội của họ trên toàn thế giới.

Mặc dù hiện nước Mỹ đang đối mặt với giai đoạn vô cùng khó khăn về kinh tế, nhưng sức sáng tạo, khả năng mau phục hồi và tinh thần đổi mới của nước Mỹ sẽ cho phép họ đương đầu được với những vấn đề cốt lõi của mình, vượt qua chúng và lấy lại khả năng cạnh tranh.

Trong hai hoặc ba thập kỷ tới, Mỹ sẽ vẫn là siêu cường duy nhất. Hoa Kỳ là quốc gia năng động về kinh tế và mạnh về quân sự nhất trên thế giới. Nước này chính là động lực cho tăng trưởng toàn cầu thông qua sự cải cách, năng suất và sức tiêu thụ của mình.

Hiện nay và trong vài thập niên tới, chính Hoa Kỳ sẽ giữ vai trò nổi bật trong việc định ra những quy tắc của cuộc chơi. Không có vấn đề lớn gì liên quan đến hòa bình và ổn định của quốc tế lại có thể giải quyết được mà không có vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, và không một quốc gia hay nhóm nào có thể thay thế Mỹ làm cường quốc toàn cầu.

Phản ứng của Hoa Kỳ trước các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 đã chứng tỏ sự xuất chúng của nước Mỹ. Cú sốc đó đã làm thay đổi thái độ của người Mỹ về cách thức giải quyết những mối đe dọa khủng bố nhằm vào xã hội của họ. Washington không hề do dự sử dụng sức mạnh khổng lồ của mình để thay đổi những quy tắc của cuộc chơi nhằm săn lùng và tiêu diệt những kẻ khủng bố và những kẻ bảo trợ cho chúng.

Trong vài thập kỷ tới, Hoa Kỳ sẽ là một đế chế thực sự. Cho dù bạn là người Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ, Philiipines, Trung Quốc hay Triều Tiên thì người Mỹ đều để bạn làm việc cho họ ngay tại Mỹ và trong các tập đoàn đa quốc gia của họ ở nước ngoài… Trong suốt tiến trình lịch sử, tất cả các đế chế thành công đều biết đón nhận và dung nạp vào dân tộc mình những chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và nền văn hóa khác.

Trong 10, 15, 20 năm tới, Hoa Kỳ sẽ vẫn là nền kinh tế đổi mới và mạnh dạn nhất nhờ công nghệ hiện đại của họ, cả trong các lĩnh vực dân sự và quân sự… Mỹ sẽ dần đánh mất điều đó trong 30, 40, 50 năm nữa trừ phi Mỹ có thể tiếp tục thu hút nhân tài, và đó chính là cuộc đấu cuối cùng, bởi vì Trung Quốc và các nước khác đều đang tiếp nhận phần nào những gì Mỹ đã làm được để thích ứng với hoàn cảnh của họ, và họ cũng sẽ tìm kiếm những người tài và xây dựng nền kinh tế mạnh bạo, sáng tạo của riêng họ. Và cuối cùng, lúc này chính là kỷ nguyên không thể dùng các cuộc đấu quân sự giữa các nước lớn được nữa, bởi vì bạn sẽ hủy diệt lẫn nhau, mà cần có các cuộc đấu kinh tế và công nghệ giữa các cường quốc.



Nền quản trị hiệu quả có cần “người giám hộ” không?

- Với Singapore, thách thức cơ bản vẫn chưa thay đổi: trừ phi chúng tôi liên tục có rất nhiều người có năng lực cao để đảm nhận cương vị Thủ tướng và Bộ trưởng, nếu không điểm đỏ nhỏ bé Singapore sẽ trở thành một chấm đen tí xíu…

Để tìm được những con người có năng lực, tận tụy, chính trực và sẵn sàng cống hiến giai đoạn sung sức nhất của mình, và dám vượt qua quá trình bầu cử đầy rủi ro, chúng tôi không thể trả lương thấp cho các vị Bộ trưởng và nói rằng phần thưởng duy nhất của họ chính là sự đóng góp của họ cho lợi ích chung được.

Chúng tôi không đưa Singapore từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất bằng việc săn lùng những vị bộ trưởng sẵn sàng hy sinh tương lai con cái của mình khi phải gánh vác nhiệm vụ phục vụ công chúng. Chúng tôi có một quá trình rất thực dụng, không đòi hỏi người có năng lực phải từ bỏ quá nhiều vì cộng đồng. Chúng tôi không hạ thấp Singapore xuống thành một quốc gia bình thường khác ở thế giới thứ ba bằng việc né tránh vấn đề trả công cho các bộ trưởng với mức lương cạnh tranh.

Người ta nói con người nghĩ cho bản thân? Nói một cách trung thực thì bạn có tin rằng một gã không học hết tiểu học lại biết rõ kết quả lựa chọn của mình khi gã trả lời theo bản năng câu hỏi về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo không? Nhưng chúng tôi thì biết kết quả. Chúng tôi sẽ chết đói, chúng tôi sẽ bị xung đột sắc tộc. Chúng tôi sẽ tan rã.

Để có một chính phủ tốt, bạn phải có những con người giỏi trong chính phủ. Suốt 40 năm qua, tôi đã quan sát thấy rằng ngay cả với một hệ thống chính phủ kém nhưng có những con người giỏi giang thì người dân vẫn có một chính phủ tạm ổn với mức tiến bộ kha khá. Mặt khác, tôi đã thấy nhiều hệ thống chính quyền lý tưởng bị thất bại.

Hai nước Anh và Pháp đã viết hơn 80 bản hiến pháp cho các thuộc địa khác nhau của mình. Chẳng có gì sai với các bản hiến pháp, các thiết chế, vấn đề chi tiêu và các cán cân cả. Thế nhưng xã hội lại không có những nhà lãnh đạo vận hành được các thiết chế đó, và cũng không có những con người tôn trọng các thiết chế đó… Các nhà lãnh đạo thừa kế những bản hiến pháp này không đủ khả năng đảm đương công việc, và đất nước của họ thất bại, và hệ thống của họ sụp đổ trong cảnh bạo loạn, đảo chính và cách mạng.

Nếu một dân tộc đánh mất hẳn niềm tin vào các thiết chế dân chủ của mình bởi vì họ không tìm thấy người đủ năng lực điều hành họ, cho dù hệ thống đó rất tốt, thì dân tộc đó sẽ suy tàn. Cuối cùng, chính người dân mới vận hành hệ thống để cho nó đi vào cuộc sống.

Rất cần thiết phải bồi dưỡng một thế hệ ở trên đỉnh của xã hội, sao cho thế hệ ấy có đủ phẩm chất cần thiết để dẫn dắt và đem lại cho người dân cảm hứng và động lực để đi tới thành công. Nói tóm lại, chính là tầng lớp tinh hoa… Tất cả những người có tiềm năng phát triển rực rỡ phải được như vậy. Đó chính là mũi nhọn trong xã hội, những con người để gửi gắm tốc độ tiến bộ của chúng ta.

… Không có cách nào để vận hành một đất nước tốt hơn là dùng người giỏi nhất cho công việc khó khăn nhất.



Nền văn hóa Ấn Độ tạo ra những hạn chế gì cho triển vọng lâu dài của họ?

- Ấn Độ không phải là một quốc gia thực sự. Thay vào đó, đây là 32 quốc gia riêng rẽ có vẻ như được sắp xếp dọc tuyến đường sắt của người Anh. Người Anh đến, chinh phạt, thiết lập chế độ cai trị (Raj) ở đây, hợp nhất sự cai trị của họ một mớ hỗn độn gồm 175 thành bang do các ông hoàng cai trị, và cai quản họ bằng 1.000 người Anh và vài vạn người Ấn Độ được nuôi dạy để hành xử giống như người Anh.

Tôi phản đối một xã hội không có ý thức phát huy tối đa để vươn lên hàng đầu. Tôi phản đối một xã hội phong kiến trong đó việc bạn chào đời đã quyết định địa vị của bạn trong một trật tự tôn ti có sẵn. Một ví dụ cho mô hình xã hội đó chính là hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ.

Ấn Độ là một nền văn minh lâu đời. Nehru và Gandhi có cơ hội làm cho Ấn Độ những gì tôi đã làm cho Singapore do uy tín rất lớn của họ, nhưng họ không thể phá bỏ nổi hệ thống đẳng cấp. Họ không thể phá bỏ được những thói quen.

Hãy thử xem ngành công nghiệp xây dựng ở Ấn Độ và Trung Quốc, bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa một bên là hoàn thiện mọi thứ còn bên kia là chẳng hoàn thành gì cả, mà chỉ nói…

Một phần lý do là Ấn Độ là một quốc gia đa dạng – đó không phải là một dân tộc, mà là 32 dân tộc khác nhau nói 330 phương ngữ khác nhau… Tầng lớp trên ở Ấn Độ cũng ngang bằng với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Những trí thức Bàlamôn, vốn là con cái của các tu sĩ, thông minh và khôn ngoan chẳng khác gì bất kỳ ai bạn thấy trên thế giới, nhưng họ vấp phải những chướng ngại như nhau. Và cũng vì, trong hệ thống đẳng cấp của họ, nếu bạn là một người Bàlamôn và bạn kết hôn với một người không phải Bàlamôn, đẳng cấp của bạn sẽ bị tụt xuống, cho nên yếu tố di truyền của bạn bị đông cứng trong một đẳng cấp nhất định.

Một công chức trung bình ở Ấn Độ vẫn xem mình cơ bản là một quan chức chứ không phải người phục vụ. Một quan chức trung bình ở Ấn Độ không chịu chấp nhận rằng việc trục lợi và làm giàu là sai trái. Quan chức trung bình ở Ấn Độ không mấy tin tưởng vào cộng đồng kinh doanh của Ấn Độ. Họ xem những doanh nhân Ấn Độ như là những kẻ cơ hội chỉ biết vơ vét tiền và không đem lại sự phồn thịnh cho đất nước, và càng tệ hơn nếu những doanh nhân đó là người nước ngoài.


Đâu là những bài học cần lĩnh hội từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu?

- Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có nguyên nhân do những dư thừa của hệ thống các quy định tự do và niềm tin cho rằng một thị trường hoàn toàn tự do sẽ cho phép cải tiến mạnh mẽ và phân bổ vốn cho những doanh nghiệp có lãi nhất với lợi nhuận cao nhất.

Một khi Giám đốc Cục Dự trữ liên bang quyết định không cần phải điều tiết các yếu tố phát sinh và giám sát chúng thì ngòi nổ đã được châm. Một khi bạn thấy rằng bạn có thể trộn lẫn rất nhiều tài sản tốt và xấu thành một mớ và chuyển rủi ro của mình vòng quanh châu Âu và những khu vực khác của thế giới thì bạn sẽ bắt đầu thứ gì đó giống như mô hình Ponzi (trò vay tiền của người này để trả nợ người khác) vốn tất yếu phải đi đến kết cục vào một thời điểm nào đó…

Công việc kinh doanh của một người trong một thiết chế tài chính là tạo ra lợi nhuận lớn nhất cho chính mình, cho nên việc đổ lỗi cho các chủ ngân hàng và những người tìm kiếm lợi nhuận chẳng có ý nghĩa gì cả. Bạn cho phép có những quy định này và họ hoạt động theo đúng những quy định ấy.

Trước khi có cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, thế giới không phản bác quan điểm đồng thuận của Washington cho rằng mô hình kinh tế Anglo-Saxon là hiệu quả nhất để phân bổ các nguồn lực tài chính nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, mô hình thị trường Hoa Kỳ không còn được xem là lý tưởng nữa. Trung Quốc tự tin rằng tốt hơn là chính phủ nên nắm quyền kiểm soát và quản lý nền kinh tế của mình. Trung Quốc giờ đây cũng sẽ chậm lại trong việc mở cửa các thị trường vốn đã bị đóng của mình để tránh những dòng ngoại hối đầu cơ quá lớn chảy vào và chảy ra.

Chỉ có những quốc gia lục địa lớn với dân số đông đảo như Trung Quốc và Ấn Độ mới có thể xốc dậy sức tiêu thụ nội địa của mình để tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tình trạng suy thoái kinh tế hiện tại.


Các cá nhân, công ty và quốc gia phải làm gì để thành công trong một thế giới toàn cầu hóa?

- Tại hội nghị CEO toàn cầu của Forbes về doanh nghiệp, công nghệ và lãnh đạo kinh doanh trong thế kỷ 21, tôi từng tự hỏi mình khác biệt giữa các nhân tố này trong quá khứ và ở hiện tại là gì.

Những gì đã thay đổi, và thay đổi vượt xa những gì ta nhận ra, chính là công nghệ. Công nghệ đòi hỏi các doanh nhân và lãnh đạo công ty phải nghĩ và hành động mang tính toàn cầu. Họ không thể né tránh việc hợp tác hoặc cạnh tranh với nhau ở tầm quốc tế.

Thách thức lớn hiện nay là điều chỉnh theo sự thay đổi mang tính kiến tạo trong cán cân kinh tế toàn cầu. Sẽ có một sự biến cải mạnh mẽ trong vài thập kỷ tới khi Trung Quốc cạnh tranh được đầy đủ trong nền kinh tế thế giới với tư cách một thành viên của WTO. Và Ấn Độ sẽ không chịu đứng ngoài.

Con đường đi tới của chúng ta là nâng cấp trình độ giáo dục, kỹ năng, kiến thức và công nghệ của mình. Học tập suốt đời là điều tất cả mọi người phải làm trong nền kinh tế tri thức này, với công nghệ đang thay đổi một cách mau lẹ. Những người không được giáo dục kỹ càng và không thể đào tạo lại để giỏi về máy tính, hoặc học những kỹ năng mới và tiếp thu kiến thức mới sau mỗi chu kỳ 5 đến 10 năm sẽ thấy rất khó kiếm được việc làm trong các nhà máy, bởi vì những nhà máy như vậy sẽ không mang lại lợi nhuận ở Singapore.

Để thành công, Singapore phải là một trung tâm toàn cầu, có khả năng thu hút, giữ chân và tiếp nhận nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi không thể cầm chân những công ty lớn ở bên ngoài liên minh tại địa phương. Cho dù chúng tôi có thích hay không thì họ vẫn cứ thâm nhập vào khu vực. Lựa chọn rất đơn giản. Hoặc chúng tôi có một hãng hàng không hạng nhất, một hãng vận tải biển hạng nhất và một ngân hàng hạng nhất, hoặc chúng tôi đi xuống.

Một trong những việc chúng tôi làm trong những năm trước là khuấy động trào lưu ở thế giới thứ ba bằng cách mời các tập đoàn đa quốc gia, và chúng tôi đã thành công. Giờ đây, chúng tôi phải khuấy động trào lưu ở thế giới thứ ba theo hướng dân tộc chủ nghĩa. Chúng tôi phải có tầm nhìn và thói quen quốc tế. Nhân tài của chúng tôi phải được bồi dưỡng để theo kịp với những tiêu chuẩn của thế giới bằng việc tiếp xúc và tương tác với những người nước ngoài giống họ. Một số người giỏi nhất của chúng tôi đã bị các tập đoàn hàng đầu của Mỹ thu hút mất. Đây chính là một phần của thị trường toàn cầu.

Trong một kỷ nguyên của những thay đổi công nghệ nhanh chóng, người Mỹ đã cho thấy rằng các quốc gia với số lượng khởi nghiệp đông nhất, đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin, vốn luôn thử thách nguồn vốn của các nhà tư bản, sẽ thắng trong giai đoạn tiếp theo này… Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Á khác phải chấp nhận một số thay đổi văn hóa cơ bản để cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu hóa. Những dân tộc mà văn hóa giúp họ hấp thu người tài từ các nền văn hóa khác để trở thành một phần văn hóa doanh nghiệp mới sẽ có lợi thế.

Nhật Bản và vùng Đông Á là những xã hội gắn bó với nhau và vị chủng. Họ không dễ đón nhận người nước ngoài vào xã hội của mình. Chắc chắn đã phải có một thay đổi căn bản trong quan điểm văn hóa trước khi Nhật Bản và các nước Đông Á khác có thể cạnh tranh với Mỹ, quốc gia nhờ có lịch sử khác biệt nên rất dễ đón nhận người của các nền văn hóa và tôn giáo khác vào đội ngũ doanh nghiệp của mình.

Cách mạng số hóa và sự hội tụ của thông tin liên lạc, máy tính và truyền thông đòi hỏi chúng ta nhiều hơn là chỉ thuần túy sao chép những cải tiến phần mềm của các nước phát triển. Thế hệ trẻ mạnh dạn của chúng ta phải có không gian và tầm vóc để tạo ra những lĩnh vực kinh doanh cho riêng họ.

Chính phủ phải tạo điều kiện cho các quỹ vốn đầu tư mạo hiểm. Chúng tôi đã đi theo một cách tiếp cận an toàn. Giờ đây, giới trẻ tài năng của chúng tôi phải không cần đến một mạng lưới an toàn khi họ tự mình đi tới. Nhiều người sẽ vấp ngã, nhưng họ phải tự đứng dậy và tiếp tục cố gắng.

Quá trình mở cửa này có thể làm cho xã hội của chúng tôi thêm phóng túng. Thách thức khốc liệt nhất sẽ là bảo vệ được những giá trị chúng tôi yêu mến. Nếu bạn muốn phát triển trong thế giới hiện đại, bạn không được phép sợ hãi.

Công nghệ và toàn cầu hóa tạo ra một sân chơi bằng phẳng hơn. Vì hàng hóa và dịch vụ có thể được sản xuất hoặc chế tạo ở bất kỳ đâu nên điều này làm giảm những lợi thế cạnh tranh truyền thống của vị trí địa lý, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên. Tất cả các quốc gia có thể khai thác công nghệ thông tin, giao thông đường không và gia nhập cộng đồng thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ. Điều đó giúp lấp đầy khoảng cách giữa các nước có lợi thế và các nước kém lợi thế.

Nhưng một nhân tố “X” vẫn là một biến số quan trọng, đặc biệt cho các nước đang phát triển: đó là vai trò lãnh đạo có đạo đức. Một chính phủ trong sạch, hiệu quả, duy lý và có khả năng dự báo chính là một lợi thế cạnh tranh.



Các giá trị đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy tăng trưởng và cạnh tranh?

- Bên cạnh những thước đo kinh tế tiêu chuẩn về năng suất và sức cạnh tranh, còn có những nhân tố vô hình như văn hóa, tôn giáo, và những đặc điểm sắc tộc và đặc tính quốc gia khác ảnh hưởng đến kết quả…

Để có một nền kinh tế hiện đại thành công, tất cả dân số phải được giáo dục. Chính sức sáng tạo của giới lãnh đạo, thái độ sẵn lòng học hỏi từ kinh nghiệm ở đâu đó, triển khai những ý tưởng mới nhanh chóng và quyết đoán thông qua một hệ thống dịch vụ công hiệu quả, và thuyết phục đa số người dân rằng rất đáng tiến hành những cải cách mạnh mẽ, mới quyết định sự phát triển và tiến bộ của một quốc gia.

Tinh thần đổi mới và doanh nghiệp còn quan trọng hơn cả khả năng công nghệ. Trong một thời đại của những thay đổi công nghệ đáng kinh ngạc, thì chính những cá nhân kinh doanh luôn sẵn sàng nắm bắt lấy các cơ hội mới, những người sáng tạo ra các ý tưởng và lĩnh vực kinh doanh mới, mới luôn vượt lên phía trước. Những doanh nhân bình thường có thể kiếm sống bằng việc là những người ăn theo giỏi, nhưng những phần thưởng lớn luôn thuộc về những người đổi mới và biết kinh doanh.

Bạn tạo ra các doanh nhân của mình từ đâu? Có phải từ tầng lớp cao nhất? Ở Singapore rất thiếu những tài năng kinh doanh. Chúng tôi phải bắt đầu thử nghiệm. Những việc dễ - chỉ cần có một bộ óc mới tinh để tiếp nhận kiến thức và đào tạo được - chúng tôi đã làm rồi. Giờ đến phần khó khăn. Để làm cho những bộ óc có học thức và giỏi tính toán trở nên cách tân hơn, năng suất hơn, quả thật không dễ. Nó đòi hỏi phải thay đổi nếp nghĩ, đòi hỏi có một tập hợp những giá trị khác hẳn.

Những thói quen đem lại năng suất cao ở đội ngũ nhân công chính là kết quả của những giá trị được cấy sâu vào họ ở nhà, ở trường học và ở nơi làm việc. Những giá trị này phải được củng cố qua thái độ của xã hội. Một khi đã hình thành, giống như một ngôn ngữ mà xã hội sử dụng, các thói quen có xu hướng trở thành một chu kỳ tự tái tạo, tự duy trì…

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng 55% lực lượng nhân công của chúng tôi vẫn thừa nhận rằng họ sợ bị các đồng nghiệp ghét bỏ vì làm việc tốt. Chừng nào thái độ này còn tồn tại thì sẽ không thể khuyến khích được thành tích cao do những tiêu chuẩn còn thịnh hành của những nhân công kém cỏi. Những nhân công giỏi hơn sẽ ngại trở thành những đầu tàu. Thái độ này rất tiêu cực.

Người Singapore phải hiểu rằng lợi ích nhóm của họ sẽ tăng lên nếu từng người lao động cố gắng đạt được thành tích cao nhất, và do đó khích lệ đồng nghiệp làm tốt hơn nữa, qua chính tấm gương là mình. Không có cách nào tốt hơn là ví dụ của chính bản thân những người quản lý và những lãnh đạo cấp cơ sở. Những quan niệm lỗi thời rằng người quản lý là những kẻ bóc lột nhân công đã không còn phù hợp trong môi trường công nghiệp hiện nay. Lỗi thời không kém là những quan điểm quản lý rằng các nhà hoạt động nghiệp đoàn là những đối tượng chuyên gây phiền phức. Đây là những nếp nghĩ của quá khứ. Đây là những khuôn mẫu cần loại bỏ nếu chúng ta định xây dựng mối quan hệ tin tưởng và hợp tác giữa bộ phận quản lý, nghiệp đoàn và người lao động.

Chúng tôi đã tập trung vào những vấn đề thiết yếu ở Singapore. Chúng tôi dùng gia đình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể hóa hoài bão của một người và gia đình anh ta thành kế hoạch. Chẳng hạn chúng tôi tìm cách cải thiện trẻ em thông qua giáo dục. Chính phủ có thể tạo ra một bối cảnh trong đó người dân có thể sống hạnh phúc, thành đạt và thể hiện bản thân, nhưng cuối cùng chính những gì người dân làm với cuộc sống của họ lại quyết định thành công hay thất bại về kinh tế.

Chúng tôi đã rất may mắn có được nền tảng văn hóa này gồm niềm tin vào tiết kiệm, làm việc chăm chỉ, đức hiếu thảo và lòng trung thành trong các đại gia đình, và trên hết, thái độ coi trọng học vấn và hiếu học.

Dĩ nhiên, có lý do khác nữa cho thành công của chúng tôi. Chúng tôi có thể tạo ra được tăng trưởng kinh tế bởi vì chúng tôi tạo điều kiện cho những thay đổi nhất định trong khi đi từ một xã hội nông nghiệp lên xã hội công nghiệp. Chúng tôi có lợi thế vì biết rõ kết quả cuối cùng sẽ như thế nào nhờ nhìn vào phương Tây và sau đó là Nhật Bản.

Ngôn ngữ và văn hóa đều phải thay đổi để giúp một dân tộc giải quyết được những vấn đề mới. Trên thực tế, sức mạnh của ngôn ngữ và văn hóa tùy thuộc vào khả năng linh hoạt của những nhân tố này trong việc giúp người dân thích ứng với các điều kiện đã thay đổi.

Chẳng hạn, tiếng Nhật và văn hóa Nhật ở một thế kỷ trước kể từ giai đoạn Phục hưng Minh Trị năm 1868 đã phát triển và thay đổi đáng kể để đáp ứng những nhu cầu mới. Người Nhật thành công trong việc tiếp thu khoa học và công nghệ phương Tây bởi vì họ linh hoạt và thực dụng đối với ngôn ngữ và văn hóa của mình. Họ vay mượn những ý tưởng và thiết chế phương Tây mới mẻ. Họ giới thiệu nền giáo dục phổ thông, tạo ra hệ thống quốc hội lưỡng viện, đưa ra các bộ luật, và cải tổ quân đội cùng hải quân theo mô hình của Đức và Anh. Họ tự dung nạp các từ ngữ phương Tây, làm gia tăng sức mạnh của tiếng Nhật.


Nhân công thời nay cần nắm giữ những năng lực cốt lõi gì?

- Không như nhân công ở thời đại máy móc lặp đi lặp lại, nhân công của tương lai phải phụ thuộc nhiều hơn vào kiến thức và kỹ năng của chính mình. Họ phải quản lý được những hệ thống điều khiển của chính họ, giám sát bản thân và nhận lấy trách nhiệm tự nâng cấp. Họ phải có tính kỷ luật đủ để suy nghĩ độc lập và tìm cách vươn lên mà không cần ai theo sát sau lưng.

Nhân công trong nền kinh tế mới không thể hài lòng với việc giải quyết vấn đề và hoàn thiện thêm những điều đã biết. Họ phải mạnh dạn và cải tiến, luôn tìm kiếm những cách thức mới mẻ để làm việc, tạo ra giá trị gia tăng, lợi ích gia tăng.

Ngày nay, vì năng lực trong tiếng Anh không còn là một lợi thế cạnh tranh nữa, nên nhiều quốc gia đang cố gắng dạy trẻ em tiếng Anh.

Nếu ai đó muốn thành công, họ sẽ cần nắm vững tiếng Anh, bởi vì đó là ngôn ngữ của kinh doanh, khoa học, ngoại giao và học thuật.

Theo Phương Thanh
Doanh nhân SG
 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại55,976
  • Tổng lượt truy cập41,236,577
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây