Không có giấy phép, không đúng chuyên môn, nhưng Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) vẫn quảng cáo, tự giới thiệu mình như một trung tâm thẩm mỹ hàng đầu. Mới đây, vụ tai biến sau phẫu thuật nâng ngực, bác sĩ vứt nạn nhân xuống sông Hồng, xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, gây chấn động dư luận - Ảnh chụp màn hình
Nhiều “hàng đầu”, “đầu tiên”, “số một” quá
Tại buổi tọa đàm, một đại biểu nói thẳng rằng thị trường phẫu thuật thẩm mỹ đang có quá nhiều quảng cáo quá sự thật.
Có những phương pháp thông thường được đẩy lên thành “phương pháp cao siêu”, tạo ra một làn sóng giáo dục thị trường sai; có những phương pháp chưa được thẩm định vẫn áp dụng và quảng cáo rầm rộ.
PGS-TS Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho biết trên thực tế nhiều cơ sở thẩm mỹ đang cố tạo đẳng cấp bằng quảng cáo, thậm chí là quảng cáo “nổ”. Ông Hành nhận định thị trường đang có quá nhiều cái “đầu tiên”, “giỏi nhất Việt Nam”, “hàng đầu”...
“Ngoài ra, có tình trạng lạm dụng cách quảng cáo của Hàn Quốc để nhanh chóng có khách hàng. Chính những điều này làm bộ mặt phẫu thuật thẩm mỹ không sạch sẽ, vô hình chung làm xấu cả ngành thẩm mỹ”, PGS-TS Lê Hành nói thêm.
Một bác sĩ của Bệnh viện (BV) Thẩm mỹ Sài Gòn nhận xét rằng cụm từ “theo phương pháp Hàn Quốc” đang bị lạm dụng quá mức.
Vị này kể lại một câu chuyện có thật: Nhiều bệnh nhân đến BV đòi “đốt mỡ nội soi, nâng mũi nội soi”. Các bác sĩ cũng ngớ người. Hỏi ra mới biết họ xem các quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ.
Một đại biểu khác nêu ý kiến, hiện nay, quảng cáo trong lĩnh vực thẩm mỹ thực sự là mê hồn trận. Nhiều bác sĩ thậm xưng bằng cấp, chức danh, bác sĩ tay ngang cũng quay ra làm thẩm mỹ, nên việc xảy ra tai biến không thể lường được.
Giải pháp nằm ở đâu?
Bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, tại buổi tọa đàm cũng cho hay nhiều cơ sở thẩm mỹ cố ý quảng cáo gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Mặc dù thanh tra Sở Y tế TP.HCM vẫn giám sát, kiểm tra thường xuyên nhưng chưa thể làm hết được. Bác sĩ Trạng cho rằng chính Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM phải làm trong sạch các bộ phận của hội trước.
Về giải pháp, PGS-TS Lê Hành kiến nghị, cần giới hạn quảng cáo trong phẫu thuật thẩm mỹ. Theo ông Hành, thứ nhất, cần giới hạn về tần suất quảng cáo, ví dụ một năm được quảng cáo mấy lần. Thứ hai, giới hạn format quảng cáo, khi bị giới hạn thì các cơ sở làm thẩm mỹ khó có thể nổ và đăng hình ảnh sai sự thật. Ngoài ra, cần phải cấm quảng cáo theo kiểu “hàng đầu”, “duy nhất”…
Bác sĩ Trương Xuân Liễu, nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thuộc Hội Y học TP.HCM, cho rằng những sự việc gần đây xảy ra trong ngành y tế làm những người hành nghề y chân chính cảm thấy đau xót. Hành nghề có nhiều rủi ro do chuyên môn, có những rủi ro do tắc trách của người làm nghề y nên cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
“Người ta có thể chọn món hàng khi đi chợ nhưng bệnh nhân họ không có cơ hội lựa chọn, họ khi đến với bác sĩ và giao toàn bộ tính mạng cho bác sĩ. Cần phải thấy được điều đó để ý thức vai trò của bác sĩ”, bác sĩ Liễu nhấn mạnh.
Hà Minh
Nguồn tin: Thanhnien