Mỹ - Trung sau phán quyết của PCA

Thứ sáu - 15/07/2016 01:36 857 0
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ bước vào một giai đoạn thêm bất định và hoài nghi lẫn nhau theo sau phán quyết của PCA
 

Thay vì hả hê với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan về vụ kiện biển Đông, Mỹ lại đang âm thầm thuyết phục các nước châu Á như Philippines, Indonesia... tránh có động thái khiêu khích khiến tình hình khu vực thêm nóng.

Nỗ lực tránh đối đầu

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Chúng tôi muốn mọi thứ lắng xuống để vấn đề được giải quyết theo lý trí chứ không phải cảm tính”. Theo Reuters, thông điệp kiềm chế đã được Washington phát đi thông qua các đại sứ quán Mỹ ở nước khác và các phái bộ nước ngoài tại Washington. Một số thông điệp được đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức ngoại giao cấp cao gửi đi. Mặt khác, giới chức trách Mỹ nhấn mạnh chiến lược ngoại giao “thầm lặng” này không phải là nỗ lực vận động khu vực chống lại Trung Quốc.

Trong trường hợp bước đi trên thất bại và đối đầu xảy ra, lực lượng hải quân và không quân Mỹ sẵn sàng thực thi quyền tự do đi lại trong khu vực. Dù vậy, ông Ben Cardin, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định đối đầu khó có thể xảy ra nếu các nước, như Philippines và Indonesia, tiếp tục hợp tác với Mỹ thay vì tự hành động trong vấn đề biển Đông.

 

Một thuyền cá Indonesia hoạt động ngoài khơi quần đảo Natuna Ảnh: ABC NEWS
Một thuyền cá Indonesia hoạt động ngoài khơi quần đảo Natuna Ảnh: ABC NEWS

Trước mắt, Mỹ hy vọng sáng kiến ngoại giao này sẽ thành công ở Indonesia - quốc gia đang ngày càng bất bình trước hành động của tàu cá, tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo Natuna. Theo kế hoạch chưa từng có tiền lệ được công bố hôm 13-7, tức một ngày sau khi PCA ra phán quyết, chính phủ Indonesia sẽ đưa ít nhất 400 tàu gỗ 30 tấn đến Natuna vào cuối tháng 10 tới. Các ngư dân chịu đến đó hoạt động sẽ được hưởng trợ cấp trong khi các cảng, nguồn điện và internet trên quần đảo cũng được nâng cấp.

Bộ trưởng Bộ Hàng hải Indonesia cho biết đây là bước đi cần thiết để “đón đầu” những tuyên bố chủ quyền phi lý mới mà Trung Quốc có khả năng đưa ra nhằm phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia. Jakarta cho đến giờ vẫn phản đối Bắc Kinh đưa vùng biển quanh Natuna vào bên trong “đường lưỡi bò” vừa bị PCA bác bỏ.

“Hai hổ sống chung một rừng”

Trong lúc này, ngày càng có nhiều tiếng nói cảnh báo Trung Quốc cần quyết định đúng nếu không muốn phải trả giá đắt vì vấn đề biển Đông. Theo tờ The Washington Post, xem ra Bắc Kinh chỉ có 2 con đường để đi:Leo thang căng thẳng hoặc từ từ và âm thầm xuống thang.

Cộng đồng quốc tế hiện theo dõi xem liệu cường quốc đang trỗi dậy này có ngang nhiên vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà họ đã phê chuẩn hay không. Nếu Trung Quốc quả thật làm thế, vị thế và ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế có thể chịu những tổn hại còn lớn hơn bất kỳ lợi ích gì có được từ việc kiểm soát một số đá ở biển Đông. Khi đó, Mỹ cần chuẩn bị cho khả năng Trung Quốc leo thang căng thẳng ở biển Đông, như quân sự hóa bãi cạn Scarborough chiếm của Philippines hoặc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở đây.

Thậm chí, ông Dennis Blair, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, cho rằng Washington nên tuyên bố sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sựđể chống lại sự lấn tới của Bắc Kinh tại bãi cạn Scarborough. Phát biểu tại cuộc điều trần trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ hôm 13-7, ông Blair giải thích mục tiêu của động thái này không phải là giao tranh với Trung Quốc mà là đặt ra giới hạn cho Bắc Kinh. Theo ông này, phán quyết của PCA đã cung cấp nền tảng pháp lý rõ ràng để Washington đưa ra lập trường về tranh chấp ở biển Đông.

Giới phân tích nhận định quan hệ Mỹ - Trung sẽ bước vào một giai đoạn thêm bất định và hoài nghi theo sau phán quyết của PCA nhưng cả hai đều biết rằng phải tìm ra cách để “hai hổ sống chung một rừng”. Ông Miles Yu, giáo sư tại Học viện Hải quân Mỹ, cho rằng hai nước sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực nhưng “khó có khả năng đối đầu trong một cuộc chiến mà Trung Quốc biết rằng không thể thắng”.

Ông John Ciorciari, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Chính sách công Ford thuộc Trường ĐH Michigan (Mỹ), cũng nhận xét Mỹ - Trung không hề muốn để mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát. “Không bên nào muốn vấn đề này (biển Đông) bao trùm và làm xấu thêm mối quan hệ song phương vốn đã phức tạp” - ông Ciorciari nhận định.

Hâm nóng ASEM

Các nhà phân tích cho rằng dù vấn đề biển Đông không nằm trong chương trình của Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), dự kiến diễn ra ở Mông Cổ ngày 15 và 16-7, song nó sẽ trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc gặp đa phương lẫn song phương.

Theo hãng tin Kyodo, các nhà lãnh đạo dự ASEM có thể tận dụng cơ hội này để phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Đáng chú ý, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến kêu gọi tôn trọng phán quyết của PCA về vụ kiện biển Đông. “Tôi sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp trị và giải pháp hòa bình” - ông Abe phát biểu ngày 14-7 trước khi lên đường dự ASEM.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Ngoại trưởng Perfecto Yasay sẽ thảo luận vấn đề biển Đông cũng như sự cần thiết phải tôn trọng phán quyết PCA tại ASEM. Tuyên bố của bộ này cũng hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA. Đây được xem là phản ứng mạnh nhất của Manila kể từ khi PCA ra phán quyết.

Huệ Bình

 

Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã tóm tắt một số ý chính trong tuyên bố ngày 5-12-2014 mà Bộ Ngoại giao gửi đến PCA nhân vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ UNCLOS 1982. Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền, lợi ích ở các vùng biển được xác định theo UNCLOS 1982.

Trước những lo ngại Trung Quốc gây thêm căng thẳng ở biển Đông cũng như gia tăng nguy cơ va chạm giữa ngư dân và lực lượng thực thi pháp luật sau phán quyết của PCA, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình. Về phía mình, Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực, đồng thời hỗ trợ ngư dân bám biển.

Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc hạ cánh máy bay dân sự xuống đá Vành Khăn và Xu Bi (ngày 12-7), thông báo hoàn thành 4 hải đăng và động thổ xây hải đăng thứ 5 trên các đá thuộc Trường Sa (ngày 11-7), ông Lê Hải Bình nêu rõ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

D.Ngọc

 

XUÂN MAI - HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay3,796
  • Tháng hiện tại71,269
  • Tổng lượt truy cập41,251,870
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây