Phải tôn trọng luật chơi chung

Thứ sáu - 15/07/2016 01:34 937 0
Tự đưa ra bản đồ chủ quyền với đường 9 đoạn, tự ý bồi đắp các bãi đá, dải đá, xây dựng cơ sở đồn trú quân sự trên các đảo tranh chấp, Trung Quốc trong vài năm qua đã ráo riết thực hiện mưu đồ thâu tóm biển Đông bất hợp pháp.

Vụ Philippines lôi Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc không phải là giọt nước tràn ly nhưng là một đòi hỏi chân lý phải được hiển lộ, công lý phải được thực thi trong một thế giới toàn cầu hóa. Kết quả phán quyết đúng như dự đoán của các chuyên gia công pháp quốc tế và những người am tường sự việc; những “nỗ lực”, tham vọng bá quyền, chiêu thức “tằm ăn rỗi” của Trung Quốc trên biển Đông lâu nay đã được vạch rõ.

Có lẽ Trung Quốc - hơn ai hết - cũng dự đoán được kết quả này nên ngay từ đầu đã không hợp tác, từ chối tham dự các phiên điều trần, tranh tụng; một mặt đứng từ Bắc Kinh khua chiêng gõ mõ, kêu gọi những quốc gia - đối tác không liên quan vây cánh bảo vệ cho lập trường của mình. Hài hước hơn, sau khi PCA bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên biển Đông, Bắc Kinh lập tức tuyên bố sẽ có mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ “chủ quyền” (ảo tưởng) của mình trên vùng biển tranh chấp này.

Cùng thời gian đó, trên thực tế, những đoàn tàu ngư dân Trung Quốc vẫn được xua ra khơi, vẫn được sự hỗ trợ quân sự để có thể hung hãn đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam. Luật pháp quốc tế đã bị một nước lớn chà đạp trắng trợn!

Thế giới đang chứng kiến sự vùng vằng tức tối của một quốc gia bị giấc mơ bá quyền làm mờ lương tri đến mức quên mất mình là một phần của nhân loại văn minh, quên mất những hành xử cơ bản để sống chung với các quốc gia khác trong cùng một thế giới. Và hậu PCA, có thể lắm, nhân loại sẽ còn chứng kiến thêm một Trung Quốc bất chấp tất cả mọi luật chơi chung, tự đưa mình thành một ngoại lệ với “luật chơi riêng”, ở đó không có lẽ phải hay công lý mà là lấy mạnh hiếp yếu, lấy bạo lực khống chế tiếng nói đạo lý, khó ai có thể chấp nhận được.

Nhà báo Tom Plate, trong cuốn sách đối thoại với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon (xuất bản tại Việt Nam với tựa “Đối thoại với Ban Ki-moon”; Lê Quang Minh dịch, NXB Trẻ, 2014) có đoạn đề cập “vấn đề Trung Quốc với biển Đông và các nước láng giềng”: “Hãy nhìn những gì mà Trung Quốc với Quân Giải phóng Nhân dân của mình nói về những vùng biển xung quanh - họ gọi biển Đông là ao nhà của Trung Quốc, một cái hồ không hơn không kém, một sự xâm lược lãnh thổ trắng trợn mà tôi nghĩ chẳng có luật pháp quốc tế nào thừa nhận”. Tom Plate bày tỏ lo ngại về sự “không chịu trưởng thành” của quốc gia này sẽ dẫn đến những xung đột với khu vực và quốc tế, cụ thể là Mỹ. Đó không phải là một mối lo không căn cứ.

Tuy nhiên, trong lòng một thế giới toàn cầu hóa, khi các quốc gia liên đới số phận sâu sắc như hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng với áp lực của quốc tế, việc đưa một quốc gia đi vào quỹ đạo của luật chơi chung, đạo lý chung để phát triển hòa bình không phải là vô phương.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay5,033
  • Tháng hiện tại63,526
  • Tổng lượt truy cập41,131,329
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây