Mỹ tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

Thứ ba - 21/05/2013 05:00 1.256 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
38 năm đã trôi qua kể từ ngày cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam kết thúc. Hình ảnh cay đắng đối với nước Mỹ về những máy bay trực thăng gầm rú sơ tán nhân viên khỏi nóc tầng thượng các tòa nhà tại Sài Gòn vào ngày 30.4.1975 khiến khó ai tưởng tượng được rằng một ngày nào đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Việt Nam lại có thể cùng bắt tay nhau hướng đến một thỏa thuận đối tác chiến lược.
Doanh nghiệp Mỹ chuộng Việt Nam

Nhưng điều khó tưởng tượng nhất lại đang dần thành hiện thực. Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang từng bước được định hình như những đối tác chiến lược, dù vẫn còn một số cản trở, thông qua việc tăng cường hợp tác kinh tế, ngoại giao và quốc phòng.

Năm 2000, 6 năm sau khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, hai quốc gia đã ký thỏa thuận thương mại song phương lịch sử (BTA), mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác kinh tế. Kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh từ 1,2 tỉ USD năm 2000 lên gần 25 tỉ USD năm 2012.

Trong giai đoạn này, Việt Nam liên tục đạt thặng dư thương mại thường niên với con số cụ thể từ 454 triệu USD năm 2000 lên hơn 15,6 tỉ USD năm 2012. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là nguồn về thặng dư thương mại.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam trong những năm gần đây. Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam năm 2009, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 9,8 tỉ USD. Dù con số này có giảm đi trong thời gian qua, song triển vọng tương lai vẫn rất khả quan.
 
Theo Đánh giá triển vọng kinh doanh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2012 - 2013, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các Cty Mỹ mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á. Mỹ và Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác, hiện đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), được mô tả là một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao của thế hệ mới trong thế kỷ 21.

Việc thực thi thỏa thuận thương mại này sẽ thúc đẩy mạnh quan hệ kinh tế Mỹ-Việt. Việt Nam sẽ được tiếp cận rộng rãi hơn đối với các thị trường xuất khẩu lớn nhất, cùng lúc với việc thúc đẩy cải cách trong nước.

Đối tác quan trọng của Mỹ tại Châu Á

Mối quan hệ kinh tế cùng thắng đã tạo nền tảng tốt cho việc tăng cường quan hệ quốc phòng và kinh tế giữa hai quốc gia. Mỹ coi Việt Nam là  đối tác quan trọng trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện tại khu vực, đặc biệt là với chiến lược xoay trục lấy Châu Á làm trọng tâm.

Khi đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ về vấn đề biển Đông. Trong chuyến thăm đến Việt Nam cùng năm, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton đã tuyên bố tại Hà Nội rằng “tự do hàng hải” và “tôn trọng luật pháp quốc tế” trên biển Đông là “mối quan tâm quốc gia” của Mỹ. Hai nước cũng đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm các hoạt động trao đổi phái đoàn quân sự cấp cao, tàu hải quân Mỹ thăm Việt Nam, và các cuộc đối thoại an ninh và quốc phòng chiến lược hằng năm.

Trong Đánh giá quốc phòng 4 năm của Mỹ, công bố năm 2010, Mỹ coi Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á cần phối hợp để phát triển mối quan hệ chiến lược mới tại khu vực. Năm 2012, trong chuyến thăm đến Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến thăm lịch sử đến vịnh Cam Ranh, từng là căn cứ quân sự của hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Một điều rõ nét là các nhà hoạch định chiến lược Mỹ-Việt sẽ tiếp tục cẩn trọng tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế và ngoại giao, cũng như quốc phòng. Dù vẫn còn nhiều khác biệt trong quan hệ Việt-Mỹ, song hoàn toàn có thể dự đoán mối quan hệ song phương về lâu dài sẽ gặt hái những kết quả tích cực.

A.P (Dịch từ Global  Post tháng 5.2013)

Nguồn tin: Lao động

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay3,856
  • Tháng hiện tại62,349
  • Tổng lượt truy cập41,130,152
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây