Thu ngân sách bấp bênh

Thứ ba - 21/05/2013 04:59 1.138 0
Nguyên nhân gây ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách năm nay chủ yếu là do “sức khỏe” doanh nghiệp không tốt

 

Kinh tế khó khăn, dự báo thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục thêm 1 năm bấp bênh.

Nhiều đầu tàu kinh tế giảm thu

Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt 244.100 tỉ đồng, bằng 29,9% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 164.290 tỉ đồng, bằng 30,1% dự toán, tăng 2,9% so với cùng kỳ nhưng vẫn là mức thấp so với dự toán và so với một số năm gần đây. Để hoàn thành kế hoạch, số thu NSNN bình quân 4 tháng phải đạt khoảng 33%-35% dự toán và khoảng 68.000 tỉ đồng/tháng.

Ngành dệt may xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ lớn nhưng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2013 vẫn chưa đạt kế hoạch. 
Trong ảnh: Làm hàng thời trang xuất khẩu tại Công ty TNHH May Cường Tài, quận Gò Vấp - TPHCM _Ảnh: TẤN THẠNH

Ước tính có 4/19 khoản thu, sắc thuế thu đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước nhưng chủ yếu là các khoản thu nhỏ như phí, lệ phí, thu bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước… Trong 5 khoản thu thấp hơn cùng kỳ, có những khoản thu quan trọng như thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) Nhà nước chỉ bằng 89,1% so với cùng kỳ, thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 76,4%. 43 tỉnh, thành có số thu nội địa đạt dưới 33% dự toán, trong đó có các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Về chi ngân sách, 4 tháng ước đạt 303.400 tỉ đồng, bằng 31% dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm chi đầu tư phát triển đạt 32,6% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ; chi trả nợ và viện trợ đạt 32,6% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ…

Lo ảnh hưởng an sinh xã hội

Thu ngân sách bấp bênh thể hiện ở nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm tỉ trọng lớn, tỉ trọng thuế trực thu tăng chậm do hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế và của các DN còn thấp. Đặc biệt, nguồn thu từ khu vực DN vẫn giảm rất mạnh kể từ năm ngoái do nhiều DN phá sản, hoạt động cầm chừng, số DN không có thu nhập chịu thuế chiếm tỉ trọng khá cao. Tính chung 2 năm 2011-2012, có khoảng 100.000 DN phá sản, dừng hoạt động; 4 tháng đầu năm 2013, số DN đóng cửa, ngừng hoạt động  bằng với số DN thành lập mới là hơn 15.000 DN.

Về chi ngân sách, hạn chế lớn nhất là hiệu quả chi chưa cao, cả trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Công tác xã hội hóa tuy có nhiều chuyển biến tích cực song triển khai thực hiện còn chậm, kết quả đạt được còn hạn chế, dẫn đến gánh nặng chi NSNN. Đáng lưu ý là tình trạng chi tiêu kém hiệu quả, lãng phí chưa được khắc phục.

Trước năm 2010, thu ngân sách có “truyền thống” vượt dự toán hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng năm nay, ngay cả mức dự toán cũng có khả năng không đạt, buộc Chính phủ và Quốc hội phải “trông giỏ bỏ thóc”. Điều này khiến dư luận quan ngại đời sống có thể bị ảnh hưởng do cắt giảm chi. Trong thực tế, năm 2012, Chính phủ từng đề xuất hoãn tăng lương theo lộ trình vì hụt thu ngân sách.

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng đặc điểm nổi bật của chính sách tài khóa 2013 là khó khăn trong thực hiện dự toán thu NSNN do tác động của kinh tế trì trệ. Đến lượt mình, thu NSNN khó khăn có thể làm gia tăng quy mô thâm hụt NSNN, tăng nợ công, tạo nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời hạn chế khả năng tăng chi NSNN để kích thích kinh tế, tăng đầu tư công và xử lý nợ xấu cũng như miễn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh hẹp nguồn thu, cần tập trung thực hiện hiệu quả chi và cơ cấu các khoản chi, đặc biệt lưu ý tập trung cho an sinh xã hội và cắt giảm đầu tư công.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, khi thu NSNN khó khăn, cần hài hòa cắt giảm đầu tư, giảm chi thường xuyên để không ảnh hưởng đến nguồn lực cho an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần lập quỹ và có phương án xã hội hóa các cơ chế an sinh xã hội để giảm áp lực cho NSNN.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hồi tháng 4-2013, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ chưa điều chỉnh kế hoạch thu chi ngân sách, sẽ cố gắng tìm giải pháp để bảo đảm đầu tư cho những công trình trọng điểm.

Để cân đối thu chi, Bộ Tài chính vừa đề xuất các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngoài lương trong 8 tháng cuối năm với tổng số tiền khoảng 4.000 tỉ đồng.

PHƯƠNG ANH
Ý kiến bạn đọc

  • MINH TRÍ
    0Thích  
    21/05/2013 11:35

    GIẢI PHÁP CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU THU NỘP NGÂN SÁCH Hiện nay nước ta tình hình hình kinh tế khó khăn nên có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ, nợ vay ngân hàng không thanh tóan được, nên chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế đúng thời gian quy định. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp họat động kinh doanh có lãi , có khả năng nộp ngân sách, nhưng vẫn cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Do cơ chế chính sách quy định kéo dài thời gian cho các đối tượng nộp thuế, có nhiều trường hợp chuyển sang năm sau mới nộp, do vậy đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu nộp ngân sách ở các địa phương, cụ thể năm 2012 vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83, hướng dẫn chi tiết các cơ chế, thủ tục, đối tượng được hưởng gói hỗ trợ thuế của Chính phủ. Cụ thể, các Doanh nghiệp được giãn 6 tháng thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, thời hạn nộp tháng 4 được giãn đến ngày 20.11.2012; tháng 5 giãn đến 20.12.2012; tháng 6.2012 giãn đến 21.1.2013. Việc giãn thuế cho các doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, tuy nhiên thời điểm Bộ Tài chính cho phép giãn nợ không hợp lý kéo dài qua năm sau, chính vì lẽ đó nên có trên 30 địa phương không thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách trong năm 2012, không có nguồn để đảm bảo chi ngân sách của cấp mình. Năm 2013 ngày 8 tháng 2 Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 16/2013/TT-BTC Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Thời gian gia hạn là 6 tháng, chính vì vậy tình hình thu ngân sách ngay từ đầu năm 2013 gặp bấp bênh, theo số liệu của Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt 244.100 tỉ đồng, bằng 29,9% dự toán. Do tình trạng kéo dài thời gian nộp thuế nên những năm qua vấn đề nợ đọng thuế của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh liên tục gia tăng, mặc dù chính quyền địa phương các cấp và ngành thuế đã tích cực có nhiều biện pháp tích cực nhưng cũng chưa chuyển biến . Bộ tài chính chỉ đạo phấn đấu nợ tồn đọng thuế cuối năm chỉ dưới 5% , nhưng thực tế các địa phương đều nợ thuế tồn đọng trên 10% , cá biệt có địa phương hơn 50% nợ thuế tồn đọng. Trong những năm qua có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn có tinh thần trách nhiệm , đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đúng theo thời gian quy định, tuy nhiên có doanh nghiệp, hộ kinh doanh cố tình trốn thuế, sau thời gian được gia hạn nộp thuế, khi biết đến thời điểm ngành thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thì các đơn vị này đã tẩu tán tài sản, nơi kinh doanh chỉ là nơi thuê mặt bằng để kinh doanh, nơi ngân hàng đăng ký tài khoản thì không còn số dư . Cuối cùng cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra để xử lý , nhưng không xử lý được do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội trốn thuế , vì các tổ chức này chỉ nợ thuế chứ không phải trốn thuế. Để khắc phục các vấn đề nêu trên cần phải nghiêm khắc xử lý các hành vi cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người tham gia kinh doanh , đối các nước trên thế giới vấn đề trốn thuế là tội rất nặng, được điều chỉnh trong bộ luật hình sự, nhưng đối với nước ta chỉ xử lý biện pháp hành chính là chủ yếu, nên không mang tính răn đe. Xác định thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, đề nghị Chính phủ nên có hướng dẫn quy định thời gian cụ thể yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế , nếu quá thời gian các đối tượng phải nộp thuế mà không nộp thì coi như tội trốn thuế phải xử lý theo bộ luật hình sự. Đề nghị Bộ Tài chính nếu có ban hành chính sách kéo dài thời gian nộp thuế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thì chỉ nên gia hạn nộp trong năm tránh tình trạng chuyển sang năm sau mới nộp, có như vậy mới đảm bảo hòan thành chỉ tiêu nộp ngân sách đối với ngành thuế đã được cấp trên giao dự tóan thu ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó các tổ chức thanh tra nhà nước hoặc thanh tra chuyên ngành thuế tăng cường công tác thanh tra các đơn vị nào có dấu hiệu hoạt động tài chính không lành mạnh,không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng năm 2013 các địa phương trong cả nước sẽ hòan thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách. MINH TRÍ

 

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay5,043
  • Tháng hiện tại58,374
  • Tổng lượt truy cập41,238,975
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây