Trước đây, Nga đã cung cấp phiên bản tên lửa Yakhont cho Syria. Tuy nhiên, những tên lửa chuyển giao gần đây được trang bị radar tiên tiến, khiến cho tên lửa hoạt động hiệu quả hơn - các quan chức Mỹ cho biết hôm 16.5.
Không giống như tên lửa Scud và các loại đất đối đất tầm xa khác mà chính quyền Assad sử dụng để chống lại phe đối lập, hệ thống tên lửa chống tàu Yakhont tạo điều kiện cho quân đội Syria sở hữu loại vũ khí vô cùng hữu hiệu để đối phó với bất kỳ nỗ lực quân sự quốc tế nào, như áp đặt lệnh cấm vận hải quân, thiết lập vùng cấm bay hoặc tiến hành các cuộc không kích hạn chế. Ông Nick Brown- Tổng biên tập Tạp chí Đánh giá Quốc phòng quốc tế IHS Jane- đánh giá, Yakhont "là một sát thủ tàu thực sự".
Jeffrey White- một nhà nghiên cứu tại Viện Washington về chính sách Cận Đông- nói rằng kho vũ khí được tăng cường của Syria sẽ "có xu hưởng đẩy lùi hoạt động hải quân của phương Tây hoặc đồng minh ra xa ngoài khơi", đồng thời cũng là một dấu hiệu cam kết của Nga đối với Syria.
Giới chức Mỹ lo ngại rằng dòng chảy vũ khí của Nga và Iran sang Syria sẽ củng cố niềm tin của Tổng thống Assad rằng ông ta có thể thắng bằng quân sự.
"Việc chuyển giao vũ khí này rõ ràng rất đáng thất vọng và đi ngược lại với nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển giao chính trị, phù hợp với lợi ích của người dân Syria và khu vực" - Thượng nghị sĩ Bob Corker của Đảng Cộng hòa nói.
Syria đã đặt mua hệ thống phòng thủ bờ biển Yakhont của Nga từ năm 2007 và nhận được đợt giao hàng đầu tiên vào đầu năm 2011. Đơn hàng ban đầu bao gồm 72 tên lửa, 36 xe bệ phóng và các thiết bị hỗ trợ. Đây là những hệ thống di động nên rất khó để tấn công. Mỗi hệ thống bao gồm 2 tên lửa, xe bệ phóng 3 tên lửa và một xe chỉ huy kiểm soát.
Tên lửa dài khoảng 6,6 mét, mang theo đầu đạn có sức công phá mạnh hoặc đầu đạn xuyên giáp, có tầm bắn 300km. Các tên lửa có thể được điều khiển tại vị trí trung tâm nhằm vào mục tiêu bằng radar tầm xa. Tuy nhiên, mỗi tên lửa cũng đều có radar riêng của mình để tránh lại sự phản công của tàu và nhằm trúng mục tiêu.
Hai quan chức cao cấp của Mỹ nói rằng lô hàng gần đây nhất bao gồm tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến hơn những lô hàng trước đó.
Nga có những lợi ích lâu dài tại Syria, trong đó phải kể đến căn cứ hải quân ở cảng Tartus ở Địa Trung Hải. Kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria leo thang, Nga từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Giới chức Nga nhiều lần tái khẳng định việc bán vũ khí cho Syria đơn thuần chỉ là thực hiện hợp đồng cũ; nhưng Mỹ lo ngại việc bán vũ khí nhằm hạn chế những lựa chọn của Mỹ nếu nước này quyết định can thiệp quân sự.
Trước đây Nga vận chuyển tên lửa đất đối không SA-17 cho Syria. Israel tiến hành không kích vào những xe tải vận chuyển vũ khí gần Damascus hồi tháng giêng. Israel không chính thức công nhận cuộc không kích, nhưng cho biết đang chuẩn bị can thiệp quân sự để ngăn chặn bất kỳ loại vũ khí nào nhằm "thay đổi cuộc chơi" được chuyển cho Hezbollah - nhóm chiến binh Lebanon. Gần đây nhất, Israel và Mỹ cũng thúc giục Nga không tiến hành bán tên lửa phòng không tiên tiến S-300 cho Syria.
Theo New York Times
Ý kiến bạn đọc
MINH TRI - 19/05/2013 16:36
Việc Nga bán vũ khí theo hợp đồng đã ký kết với chính quyền Syria là hợp pháp, vì thực tế chính quyền Syria đang lãnh đạo hiện nay do người dân bầu lên là hợp hiến hợp pháp. Nếu muốn thay đổi chính quyền hiện nay do ông Assad lãnh đạo thì phải do chính người dân nước này quyết định chứ không phải một ai khác. Hiện nay, một số nước phương Tây và Mỹ không thiện cảm với chính quyền ông Assad, nên đã ủng hộ phe đối lập cung cấp vũ khí để chống lại nhằm lật đổ chế độ ông Assad, đã gây nên cuộc nội chiến làm chết rất nhiều thường dân vô tội đây là một tội ác. Nếu Mỹ và các nước phương Tây thực hiện được ý đồ của họ sẽ là một tiền lệ xấu đối với các nước yếu, dễ bị các nước mạnh áp đặt bằng sức mạnh vũ lực để thay đổi một chế độ với một nước khác bất chấp luật pháp quốc tế.