Theo TS Trần Đình Thiên, cơ chế điều hành với trần lãi suất huy động (hiện nay 7,5%/năm), trong khi lại không áp trần cho vay phổ biến (chỉ áp dụng 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên), rõ ràng đang đảm bảo lợi ích cho ngân hàng, nhường rủi ro cho người dân và doanh nghiệp (DN).
|
“Hiệu ứng tiêu cực của cơ chế điều hành lãi suất làm suy yếu động cơ gửi tiền của người dân, hạn chế nỗ lực chống lạm phát, làm chậm quá trình tiếp cận vốn giá rẻ của DN, suy yếu nỗ lực phục hồi tăng trưởng”, ông Thiên nói.
Cũng theo chuyên gia này, quá trình hoạch định chính sách còn tồn tại nhiều rủi ro, đang bị thiếu thông tin, số liệu và ít công khai minh bạch, kể cả những số thông thường theo thông lệ quốc tế như: thâm hụt, nợ xấu, dự trữ ngoại hối…). Đặc biệt, nhiều chính sách khi ban hành thì không như thông báo, đi ngược lại cam kết khi vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Để khơi thông được dòng vốn, hàng tồn kho hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo sự công bằng giữa người dân, ngân hàng và DN, ông Thiên cho rằng, cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất cho vay, thay cho trần lãi suất huy động. Và khi đó DN mới tiếp cận được vốn, được tháo gỡ khó khăn, dần dần tháo gỡ trần lãi suất và trả lãi suất lại cho thị trường.
Anh Vũ
Nguồn tin: Thanhnien