Những điểm mới của luật Tố tụng hành chính năm 2015

Thứ ba - 07/06/2016 23:15 645 0
Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã thông qua luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, thay thế luật TTHC năm 2010.

Luật TTHC năm 2015 gồm 23 chương, 372 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 198 điều, giữ nguyên 63 điều của luật TTHC năm 2010 và bổ sung 111 điều mới, với nhiều nội dung quan trọng, khắc phục những bất cập trong thực tiễn hiện nay.

Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và luật Tổ chức TAND năm 2014. Theo đó, tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử theo quy định.

Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày các quan điểm, lập luận để đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Việc quy định thủ tục hỏi, trình bày chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa theo hướng công khai, dân chủ vừa bảo đảm thực hiện đúng, đủ quyền, trách nhiệm tố tụng của tòa án, người tham gia tố tụng, tạo bình đẳng cho người khởi kiện, vừa bảo đảm phán quyết của tòa án khách quan, chính xác, đúng pháp luật.

Từ thực tiễn giải quyết các khiếu nại hành chính trong thời gian qua, luật TTHC năm 2015 quy định quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, chứ không phải do UBND cấp huyện giải quyết như trước đây. Bổ sung 2 chủ thể mới trong thành phần người tiến hành tố tụng là thẩm tra viên, kiểm tra viên và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của hai chủ thể này trong tố tụng hành chính. Việc bổ sung 2 đối tượng này dựa trên quy định của luật Tổ chức TAND năm 2014 và luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Theo quy định của Luật TTHC năm 2010, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được tòa án chấp nhận tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thay vì cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như trước đây, luật TTHC năm 2015 quy định, tòa án phải xác nhận Giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đây là giấy tờ chứng minh tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong một vụ án cụ thể.

Ngoài ra, luật TTHC năm 2015 quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ khi có yêu cầu cung cấp của tòa án, viện kiểm sát. Trường hợp hết thời hạn (15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu) mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lí do. Nếu không có lí do chính đáng có thể bị xử lý theo điều 318 của Luật TTHC năm 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lí do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án, viện kiểm sát. Đây là một điểm mới tiến bộ so với luật cũ, bảo đảm có chế tài xử lý để quy định về quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ có tính khả thi, thúc đẩy việc giải quyết vụ án được kịp thời.

Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 sắp tới, trừ các quy định liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; pháp nhân là người đại diện, người giám hộ; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Linh Thư

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay5,067
  • Tháng hiện tại52,565
  • Tổng lượt truy cập41,233,166
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây