Trên thực tế, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên chưa bảo đảm lưu thông. Kết nối hạ tầng giao thông của Tây Nguyên với bên ngoài còn khó khăn cả về đường bộ, hàng không và chưa có đường sắt. Hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung còn dàn trải, chưa hình thành các cực tăng trưởng, kém tính kết nối, làm giảm khả năng thu hút đầu tư, đang là “điểm nghẽn” của quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Trong khi đó, nguồn lực đầu tư, nhất là vốn còn hạn chế. Theo thống kê, trong giai đoạn 2010 - 2014, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 4,7 - 5,4% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tây Nguyên còn rất hạn chế cả về số dự án, số vốn, vốn bình quân một dự án.
Số doanh nghiệp ở Tây Nguyên chỉ chiếm 2,67% tổng số doanh nghiệp cả nước. Chưa có liên kết giữa các địa phương trong vùng trong việc huy động nguồn lực và khai thác các tiềm năng để phát triển. Chưa có cơ chế hợp tác, đối tác công tư hiệu quả để huy động nguồn lực khai thác các tiềm năng phát triển.
Từ những hạn chế nêu trên có thể thấy rằng, hiện nay để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác, Tây Nguyên cần một cơ chế phối hợp ăn ý và hiệu quả.
Hoài An
Nguồn tin: Báo Đăk Nông