Thu không đạt, chi vẫn tăng
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, lũy kế 8 tháng năm 2013, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 484.820 tỉ đồng, chỉ bằng 59,4% dự toán cả năm 2013 (816.000 tỉ đồng). Thông thường, mức thu đạt yêu cầu phải từ 67% dự toán trở lên.
|
Trong cơ cấu thu, chỉ có dầu thô vẫn trên đà tăng, đạt 72.980 tỉ đồng, vượt dự toán 8 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, mức tăng chủ yếu do giá dầu bình quân 8 tháng đạt 111,5 USD/thùng, tăng 21,5 USD thùng so với giá xây dựng dự toán.
Tương tự, cân đối ngân sách các địa phương có tới 40/63 tỉnh, thành có nguồn thu thấp và rất thấp, không đạt so với dự toán từ đầu năm. Đặc biệt một số địa phương vốn là điểm sáng thu NSNN của cả nước những năm qua, nay rơi vào thâm hụt như: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong khi nguồn thu sụt giảm mạnh, ngược lại ở phía đầu ra, chi vẫn không ngừng tăng, ước 8 tháng chi 604.670 tỉ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 5,2% so cùng kỳ 2012. Trong đó, nguồn chi lớn nhất là chi cho phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính. Ngoài ra là số chi đầu tư phát triển 106.060 tỉ đồng, chi cải cách tiền lương 5.200 tỉ đồng.
Dự kiến hụt thu 60 ngàn tỉ đồng
Với mức thu - chi trên, qua cân đối lũy kế 8 tháng, Bộ Tài chính tính toán rằng bội chi NSNN lên tới gần 120.000 tỉ đồng, xấp xỉ 74% mức bội chi Quốc hội quyết định. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm nay NSNN dự kiến sẽ hụt thu khoảng 60.000 tỉ đồng so với dự toán. Trong đó, T.Ư hụt hơn 43.000 tỉ đồng, còn địa phương 16.430 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Dũng cũng tái khẳng định, dù thế nào thì năm nay Bộ Tài chính vẫn quyết tâm giữ vững cân đối ngân sách, không điều chỉnh mục tiêu bằng 4,8% GDP Quốc hội giao từ đầu năm.
Để đảm bảo mục tiêu này, trước mắt Bộ Tài chính sẽ động viên các khoản có thể thu được ngay. Trong đó, đáng chú ý là khoản thu từ đấu thấu vàng sau 57 phiên của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN), ước đến 30.8 là hơn 6.000 tỉ đồng. Theo quy định hiện hành, NHNN được trích quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia 10% từ tổng chênh lệch thu chi, phần còn lại phải chuyển vào NSNN. Theo ông Dũng, vừa qua Bộ Tài chính đã hai lần làm việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình, về cơ bản phía NHNN đã ủng hộ, nhất trí chuyển nguồn thu được từ đấu thầu vàng vào ngân sách.
Nguồn thứ hai từ lãi cổ tức tại các tập đoàn, tổng công ty đang có vốn nhà nước sở hữu. Theo quy định hiện hành, sau khi các doanh nghiệp nộp thuế, chia cổ tức và trích đầy đủ các quỹ, số còn lại nộp về Quỹ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp. Quỹ này hiện Bộ Tài chính đang giao Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý và ước số phát sinh ước 2013 khoảng 9.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ thu vào ngân sách khoảng 5.000 đến 6.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ tăng nguồn động viên vào NSNN bằng cách lấy nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của một số quỹ như Quỹ tài chính dự phòng, khi quỹ có nhu cầu sử dụng NSNN sẽ hoàn trả.
Nhưng, ngay cả khi điều hành ngân sách như trên, theo tính toán của Bộ Tài chính, vẫn chưa xử lý được một số khoản nợ mà ngân sách T.Ư đã ứng chi, tương đương hơn 162.000 tỉ đồng.
Bên cạnh các nguồn thu trên, để bù đắp đủ nguồn hụt thu NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các đơn vị phải chặt chẽ trong chi tiêu, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, rà soát cắt giảm tối đa khoản chi trong dự toán chưa triển khai, hoặc phân bổ sai mục tiêu. Qua đó, có thể giảm chi 22.700 tỉ đồng. Bộ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải tập trung giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 15.9. Trường hợp chậm trễ tổ chức triển khai, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Các tập đoàn, tổng công ty có số đăng ký tiết kiệm chi phí năm 2013 thấp hơn với số thực hiện 2012 thì phải giải trình rõ nguyên nhân.
Dự báo của HSBC về lạm phát Ngày 4.9, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (VN) đưa ra dự báo chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa (CPI) trong tháng 9 của VN sẽ tiếp tục tăng, kéo theo lạm phát tháng này cao hơn tháng 8. HSBC đánh giá lạm phát vẫn là một thử thách lớn đối với VN, đặc biệt trong tháng 9 do giá năng lượng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đang tăng. Mặc dù lạm phát tháng 8 là con số cao nhất kể từ tháng 5.2012, HSBC cũng nhìn nhận, môi trường kinh tế vĩ mô của VN đã cải thiện kể từ năm 2011. Cán cân thương mại đều thặng dư trong năm 2012 và thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay đều nằm trong tầm quản lý được ở mức 577 triệu USD. |
Anh Vũ
Nguồn tin: Thanhnien