Tăng thu 12-14%/năm, bội chi hợp lý mới đảm bảo trả nợ

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã gặp ngay những câu hỏi khó. ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã đặt ra hàng loạt vấn đề mang tính cấp bách: “Hiện nay nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, nợ công tăng cao, nhưng Bộ Tài chính vẫn báo cáo là nợ công an toàn - đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ liệu nợ công có thực sự an toàn hay không? Làm sao chúng ta có đủ khả năng trả nợ? Giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?”. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỉ lệ thay đổi không nhiều, lần lượt qua các năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, đến 2012 là 50,8% và ước tính của 2013 là 54,1%. “Tỉ lệ này nằm trong ngưỡng cho phép của QH là 65%” – ông Dũng khẳng định. 

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết, theo cơ cấu nợ công thì có khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm, do vậy, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. 

“Đây là vấn đề hệ trọng – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói - chúng tôi đã báo cáo để Thủ tướng và Chính phủ bàn các phương án cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời gian trả nợ từ các khoản vay thông qua trái phiếu chính phủ từ 5-7 năm”. Ông Dũng cũng cho biết, vấn đề đặt ra trong điều hành thời gian tới là bố trí ngân sách để trả nợ, đặc biệt là từ các nguồn lực trong nước bằng cách thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách phải đạt yêu cầu của QH, Chính phủ đề ra trong chiến lược phát triển ngành tài chính đến năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Cụ thể, phải đạt tăng thu 12-14%/năm, cân đối ngân sách nhà nước vững chắc, bội chi hợp lý và dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Mặt khác, các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại.

 

 
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa chất vấn Bộ trưởng. Ảnh: Hoàng Phong

 

 

 

Một lời hứa qua nhiều kỳ chưa trả nợ

 

 

ĐB Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH - đã đặt hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của hai bộ Tài chính và Công Thương trong việc quản lý và tạm nhập tái xuất xăng dầu. Hai bộ đều hứa sẽ sửa Nghị định 84, nhưng chờ mãi vẫn không thấy sửa. Để giải đáp việc “nợ lời hứa” của ĐB Nga, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình thay cho Bộ Tài chính. 

Ông Hoàng cho biết, NĐ 84 về điều hành giá xăng dầu từ khi vận hành mang lại nhiều kết quả, tuy nhiên có một số phát sinh cần điều chỉnh là làm sao để việc kinh doanh mặt hàng này bám sát tín hiệu thị trường hơn nữa, tạo sự cạnh tranh mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. 

“Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi phải xem xét toàn diện để việc sửa đổi phải đáp ứng đủ 3 vấn đề - ông Hoàng cho biết - Một là, phải bám sát hơn giá xăng dầu thế giới gồm tần suất điều chỉnh, thời gian điều chỉnh ngắn hơn; hai là, tạo thêm nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu để tránh độc quyền, cần thiết phải phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp, đồng thời tính đến phương thức mua đứt bán đoạn với thương nhân và cuối cùng là sử dụng hiệu quả hơn quỹ bình ổn và tìm nguồn nhiên liệu sinh học mới thay thế xăng dầu”. 

Cuối cùng, ông Hoàng lại tiếp tục... hứa: “Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan đầu mối, chúng tôi nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này. Chúng tôi hứa trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành nghị định để đáp ứng yêu cầu của ĐB và sự phát triển của đất nước”.

Về vấn đề hạch toán chi phí xây biệt thự, bể bơi vào giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình: Câu hỏi của ĐB là liên quan tới 6 dự án điện mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận. Theo đó, chỉ có Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 là có biệt thự, bể bơi, sân tennis, còn lại 5 dự án không có. Sở dĩ phải xây, vì đây là công trình sử dụng vốn vay ưu đãi của Nhật Bản, sở dĩ phải xây bể bơi và biệt thự là vì cơ sở này ở xa dân cư nên phải xây dựng công trình phục vụ cho chuyên gia Nhật Bản, sau khi xong sẽ chuyển giao cho phía VN. Chỉ có Phú Mỹ 1 là có tính vào giá thành điện, nhưng không nhiều. 1 năm chỉ tính có 1-3 tỉ đồng. 

"Hiện vấn đề này đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét. Các công trình ở xa khu dân cư bao giờ chúng ta cũng quan tâm đến khu nhà ở cho công nhân để người lao động yên tâm làm việc. Còn hạch toán ở khâu nào thì hiện chúng tôi đang thu tiền thuê của công nhân. Tôi xin khẳng định, đến nay toàn bộ các công trình trên chưa được tính vào giá thành điện" - ông Hoàng khẳng định.

 

 

 

 

Không thể đánh giá được hết hiệu quả của các dự án XDCB

“Trên thế giới không có nước nào đánh giá chung về hiệu quả quốc gia đối với từng dự án xây dựng cơ bản cho quốc gia, mà chỉ có thể đánh giá hiệu quả theo dự án đầu tư, bởi lẽ sự tác động của dự án ngoài lợi ích về mặt kinh tế, mà nó còn lan tỏa đến rất nhiều vấn đề xã hội khác. Ví dụ như chương trình đưa điện về vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo mà vẫn bán điện với giá gốc. Rõ ràng nếu nhìn về mục tiêu kinh tế thì không đạt, nhưng vì mục tiêu chính trị, mục đích xã hội nên vẫn phải làm" - đó là trả lời của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh về câu hỏi “Tiêu chí đánh giá hiệu quả xây dựng cơ bản" mà ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt ra tại phiên chất vấn.  S.Đà