Hàng ngàn phản hồi của bạn đọc rất bất ngờ trước việc “người lạ” kinh doanh nhiều năm trời ở huyện Tân Trụ và Thủ Thừa tỉnh Long An mà chính quyền địa phương không biết. Nhiều bạn đọc cho rằng công tác quản lý nhân sự hiện nay còn rất nhiều bất cập.
Không biết “người lạ” thì rất... lạ
Việc người nước ngoài kinh doanh hay làm việc ở một quốc gia nào đó là rất bình thường. Vấn đề là phải tuân thủ những quy định cụ thể trong lĩnh vực này: đăng ký tạm trú, đăng ký kinh doanh, giấy phép xuất nhập cảnh... Nếu không tuân thủ những quy định trên là cư trú bất hợp pháp, nói cách khác là vi phạm pháp luật của nước sở tại. Trường hợp những người Trung Quốc trên nằm trong diện này.
Công nhân xây dựng Trung Quốc ở Tây Nguyên. Ảnh: Cao Nguyên
Ngạc nhiên trước vụ việc ở tỉnh Long An, bạn đọc Hai Lúa, cho biết: “Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải làm thủ tục đăng ký tạm trú, đã có Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, không đăng ký là phạt thật nặng. Dạo này tôi nghe quá nhiều vụ người Trung Quốc qua Việt Nam làm ăn rồi cư trú thành cả một khu phố. Vụ việc không chỉ xảy ra ở một hai tỉnh, thành mà mức độ đã đẩy lên cao, dàn trải ra rất nhiều địa phương trên cả nước. Đề nghị an ninh quân đội, lực lượng công an và người dân cần cảnh giác”.
Chỉ rõ những mối nguy hiểm từ công tác quản lý nhân khẩu lỏng lẻo, bạn đọc Nguyễn Tuấn, cho biết: “Trên biên giới thì lấy đất rừng phòng hộ cho “người lạ” thuê 50 năm; cho “người lạ” nuôi cá sát nách quân cảng Vũng Rô hơn 10 năm; Tây Nguyên thì nhà máy toàn “người lạ”; Bình Dương thì “phố lạ” mọc lên đầy; các công trường ở Mũi Cà Mau thì “người lạ” cũng tràn ngập... Người lạ đến rồi đi, công an không hay biết. Cái này nó "bắt bài" của ta rồi đấy các “quan” có biết không ? Cứ thế này, có ngày hối không kịp đấy”.
Bạn đọc Phạm Ngọc Hùng cho rằng quản lý người nước ngoài không khó, vấn đề là các cơ quan chức năng địa phương có làm hết trách nhiệm hay không. Bạn đọc này phân tích: “Cơ quan Xuất nhập cảnh biết rõ thời gian người nước ngoài vào và xuất cảnh khỏi Việt Nam. Nếu có vào mà không có ra thì cơ quan này biết ngay. Trên cơ sở thông tin của cơ quan xuất nhập cảnh, các địa phương tiến hành kiểm tra những nơi có nghi vấn (hệ thống thông tin bây giờ quá thuận lợi cho công việc này). Mặt khác, chính quyền địa phương kiểm tra hộ chiếu là biết ngay những người này ở Việt Nam có hợp pháp hay không?. Những phụ nữ Việt Nam làm cái nghề "nhạy cảm" lén lút trong các nhà nghỉ, khách sạn... thì công an theo dõi được ngay nhưng đằng này người nước ngoài ở cả chục năm mà không biết thì cũng thật... lạ”.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Nhiều bạn đọc yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương. Theo bạn đọc Văn Nhân đây là một trong những trường hợp điển hình về sự vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Hiện tượng như thế này nếu không bị ngăn chặn sẽ là một tiền lệ xấu và hậu quả thật khó lường. Những người dân địa phương tiếp tay cho việc mua đất của “người lạ” cũng phải bị xử lý, nếu không chắc chắn còn nhiều nơi cũng sẽ có hiện tượng tương tự. Chúng ta không nghi ngờ thái quá nhưng cảnh giác thì không bao giờ là thừa nhất là đối với những người láng giềng đầy rẫy mưu mô.
Bạn đọc Phạm Minh Lợi cho rằng: “Đọc những thông tin trên tôi thật bất ngờ. Người ta đến khu vực mình quản lý hàng chục năm mà nói rằng không biết thì nên cách chức lực lượng công an xã, huyện ngay. Vụ việc lớn như thế này thì nói không biết trong khi nhà ở trong hẻm thật sâu chỉ cần đổ một đống cát nhỏ để xây nhà là có người đến hỏi ngay giấy phép liền. Không hiểu nổi”.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Lắk, nơi sử dụng rất đông công nhân Trung Quốc. Ảnh: Cao Nguyên
Bức xúc với sự tắt trách của chính quyền địa phương, bạn đọc Năm Nổ nói thẳng: “Khi thấy người lạ xuất hiện ở địa bàn nếu không có đăng ký tạm trú là phải đến kiểm tra, xử lý chứ sao lại đợi người ta trình báo. Nhiều nơi khác chỉ cần bà con tới chơi mà chủ nhà không đăng ký tạm trú thì nửa đêm các bác tổ dân phố với công an khu vực cũng đâu có tha. Đề nghị xử lý nghiêm vụ này như vụ đồn biên phòng Vũng Rô vậy. Rất mong từ những vụ việc như thế này bà con mình nên cảnh giác, chủ động liên lạc với báo chí để thông tin cho mọi người biết. Chính nhờ báo chí nên vụ người Trung Quốc thuê mặt nước ở những điểm quan trọng như vịnh Cam Ranh, Vũng Rô mới được đưa ra ánh sáng và có kẻ phải bỏ chạy”.
Bạn đọc Trần Văn Chung, nhận định: “Công tác quản lý người nước ngoài của ta quá yếu, rất nguy hiểm đến an ninh quốc phòng, cần phải chấn chỉnh ngay. Chúng tôi đi làm xây dựng cầu đường tại Lào, tôi thấy Công an Lào họ làm khá tốt việc quản lý người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc. Tuy điều kiện đường xá giao thông ở Lào đi lại còn khó khăn và bất đồng về ngôn ngữ, nhưng công an Lào thường xuyên kiểm tra giấy tờ người nước ngoài bao gồm Giấy tạm trú và Giấy phép lao động. Chúng ta phải cảnh giác, an ninh quốc gia phải hất sức cẩn trọng. Đừng để vụ việc xảy ra rồi thì hối cũng không kịp.
Phải xứ lý để làm gương “Cần phải kỷ luậ̣t nghiêm khắc cán bộ liên quan của địa phương đã buông lỏng quản lý và có thể còn tiếp tay cho “người lạ” đất xây dựng "căn cứ" ngay trong lòng Việt Nam. Họ đã ở đây 10 năm không ai đả động tới. Báo chí mới đăng tin hôm trước, hôm sau họ đã “biến” mất. Tôi tin rằng họ không đọc báo siêng năng như vậy đâu” - bạn đọc Nguyễn Phương. “Bị động" nên di tản hết rồi! Để xem có ai chịu trách nhiệm cho vụ việc này không. Cách giải thích của cán bộ địa phương thật tắt trách: “họ không báo nên không biết”. Làm việc kiểu này mà hễ động đến trách nhiệm là tìm đủ lý do để biện hộ”. - bạn đọc Thanh An. |
Phạm Hồ