Phát biểu trên được ông Shanmugam đưa ra trong buổi phỏng vấn với đài BBC xoay quanh các vấn đề về biển Đông, quan hệ Mỹ - Trung và các nước ASEAN. Theo ông Shanmugam, các nước liên quan có thể tự giải quyết tranh chấp lãnh thổ và COC nên được áp dụng cho tất cả các nước trong khu vực. Tuy nhiên, ngoại trưởng Singapore cảnh báo tranh chấp trên biển Đông không thể giải quyết trong tương lai gần, đồng thời nhấn mạnh các nước cần tránh biến leo thang thành xung đột.
Trước đó, Bắc Kinh kiên quyết phản đối yêu cầu của Philippines đưa vấn đề tranh cãi chủ quyền biển Đông ra Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc. Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 31-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc phản đối mọi hành động đi ngược lại những gì đã được các bên thống nhất trước đó”.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hồng Lỗi nói Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên biển Đông (DOC) với các nước ASEAN năm 2002. Theo DOC, các tranh chấp cần được giải quyết thông qua đàm phán giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp.
Ông Hồng Lỗi đưa ra những bình luận trên sau khi một phái đoàn nghị sĩ Mỹ lên tiếng ủng hộ Manila đưa vụ việc ra tòa án quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp mang tính pháp lý cho tranh chấp trong khu vực. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc “né” ra tòa thực chất là do sợ đuối lý trong các tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, cụ thể nhất là “đường lưỡi bò” đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Huệ Bình