Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc phản đối mọi hành động đi ngược lại những gì đã được các bên thống nhất trước đó".
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hồng nói Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên biển Đông (DOC) với các nước ASEAN năm 2002. Theo DOC, các tranh chấp cần được giải quyết thông qua đàm phán giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp.
Lính đặc nhiệm của Hải quân Philippines tập trận kiểm tra tàu thuyền năm 2010. Ảnh: Reuters
Ông Hồng Lỗi đưa ra những bình luận trên sau khi Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce hội đàm với giới chức Philippines hôm 29-1. Ông Royce cùng một phái đoàn nghị sĩ Mỹ đã ủng hộ Manila đưa vụ việc ra tòa án quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp mang tính pháp lý cho tranh chấp trong khu vực.
Trước đó, Manila đã đề nghị Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông là trái phép, đồng thời ngừng các hoạt động “xâm phạm chủ quyền của Philippines” theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
* Cùng ngày 31-1, Trung Quốc lên tiếng bác bỏ cáo buộc tấn công hệ thống mạng của tờ New York Times.
“Các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã phản ứng rõ ràng đối với những cáo buộc vô căn cứ của tờ New York Times” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, đồng thời cáo buộc tờ báo Mỹ tự ý kết luận trong khi chưa có những bằng chứng rõ ràng là "vô trách nhiệm".
Theo ông Hồng, Trung Quốc cũng là nạn nhân của hacker và luật pháp Trung Quốc nghiêm cấm những hành vi của tin tặc.
Tân Hoa Xã cho hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ra thông báo tuyên bố quân đội nước này không bao giờ ủng hộ bất kỳ hành vi tấn công mạng nào.
Trước đó, The New York Times nói tờ báo bị các tin tặc có thể có liên hệ với giới quân sự Trung Quốc tấn công trong 4 tháng qua, kể từ khi bài báo về tài sản của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo được đăng tải.