Sự phi lý khi thực hiện chi trả tiền lương qua thẻ ATM

Thứ ba - 18/03/2014 23:17 1.223 0
Sau Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đến nay đã có hàng triệu cán bộ, công chức Nhà nước và rất nhiều công nhân, nhân viên trong các doanh nghiệp, xí nghiệp ngoài Nhà nước nhận lương qua tài khoản, với hình thức dùng thẻ ATM. Là người sử dụng trực tiếp, chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề bất hợp lý đã và đang tồn tại.

Thứ nhất, việc thu phí ATM bằng cách trừ tiền lương trong tài khoản của mỗi người lao động là không đúng, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người lao động:

Điều 95 Bộ luật lao động 2012 quy định nguyên tắc trả lương: Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Như vậy, người lao động phải được nhận đủ tiền lương của mình hàng tháng. Trước đây, khi còn trả lương tại cơ quan, chưa áp dụng Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chi trả lương cho người thủ quỹ cơ quan để người đó phát lương cho các cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị. Mỗi cán bộ, công chức, người lao động được nhận đủ tiền lương theo quy định của mình hàng tháng mà không phải trả bất kỳ một khoản tiền nào.

Nay, mỗi người không những không được nhận đủ lương (vì phải để lại trong tài khoản một số tiền nhất định, ít nhất là 50.000 đồng để duy trì hoạt động của thẻ và dịch vụ ATM), mà còn phải trả nhiều khoản phí do Ngân hàng trừ trên tiền lương trong tài khoản mỗi người như:

- Phí rút tiền: từ 1000 đồng đến 3.000 đồng/ giao dịch;

 
Ảnh minh họa: vietq

- Phí quản lý tài khoản: 20.000 đ/năm;

- Phí sử dụng thẻ: 30.000 đ/thẻ ( chưa bao gồm VAT) ( loại thẻ phổ thông);

Các loại phí này bị trừ theo mỗi lần rút tiền (phí rút tiền) hoặc hàng tháng, hàng quý, hàng năm.

(Theo biểu phí được áp dụng đến đầu năm 2014 của Ngân hàng BIDV Bắc Ninh).

Như vậy trách nhiệm chi trả của cơ quan Nhà nước để phục vụ cho việc trả lương cho người lao động đã mặc nhiên biến mất, thay vào đó là trách nhiệm của người lao động phải chi trả cho Ngân hàng để được nhận những đồng lương của mình!

Đây quả là một điều vô lý, không đúng đắn. Mặt khác, với số lương ít ỏi của cán bộ, công chức, người lao động, không đủ sống đối với nhiều người hiện nay, việc phải chi trả thêm các khoản phí trên gây thiệt thòi lớn cho họ!

Chúng tôi cho rằng Nhà nước cần có quy định để các cơ quan Nhà nước chi trả mọi khoản phí phục vụ cho việc nhận lương của người lao động, như trước đây khi việc trả lương được tiến hành trực tiếp, không qua tài khoản, nhằm đảm bảo quyền lợi thiết thân, chính đáng: nhận lương đầy đủ- của người lao động, theo đúng Điều 95 của Bộ luật lao động 2012.

Thứ hai, đang tồn tại quá nhiều loại phí khi sử dụng thẻ ATM:

Hiện nay, ít nhất một người lao động phải trả 4 loại phí khi sử dụng thẻ ATM: phí rút tiền, phí chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí sử dụng thẻ. Mức phí tùy thuộc vào loại thẻ và số tiền giao dịch, tuy nhiên, ít nhất, mỗi người bị trừ 72.000 đồng/ năm (theo biểu phí của Ngân hàng BIDV Bắc Ninh được áp dụng đến đầu năm 2014) (*). Số tiền này còn tăng thêm theo các chính sách của Ngân hàng từng thời kỳ!

Mặt khác, lãi phát sinh từ tiền trong tài khoản là lãi không kỳ hạn, rất thấp và không đáng kể so với chi phí mà người lao động bị Ngân hàng trừ thường xuyên. Người lao động sống bằng lương, vốn đã khó khăn, càng chật vật hơn khi phải trả các loại phí trên!

Bên cạnh đó, việc chi trả lương qua ATM còn có nhiều bất cập mà nhiều báo đã phản ánh như: số máy ít, không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, khách hàng phải xếp hàng, chờ rất lâu mới đến lượt rút lương; máy ATM hết tiền; số tiền xếp vào máy không có mệnh giá lớn nên khách hàng phải rút nhiều lần mới hết lương, dẫn đến bị trừ thêm phí rút tiền.

Theo chúng tôi, các cơ quan Nhà nước, các Ngân hàng cần nghiên cứu, đưa ra những quy định và cách làm hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, không để tồn tại sự thiệt thòi cho họ như hiện nay, hạn chế các loại phí, mức phí, phù hợp với tình hình thu nhập hiện tại của cán bộ, công chức, người lao động. Mặt khác cần cải tiến chất lượng phục vụ của máy ATM, bố trí số máy, số tiền sao cho thuận lợi, đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Trần Thị Tích

Sở Tư pháp Bắc Ninh

Ghi chú:

(*): Cộng các mức phí được nêu tại phần Thứ nhất với phí chuyển tiền được quy định là 0,02% số tiền đến 0,05% số tiền, tối thiểu là 10.000 đồng, cụ thể:

- Phí rút tiền: 1000 đ x12 lần/năm=12.000 đ

-Phí quản lý tài khoản: 20.000 đ/năm;

- Phí sử dụng thẻ: 30.000 đ/thẻ

- Phí chuyển tiền: 10.000 đ.

Tổng cộng: 12.000 + 20.000 + 30.000 + 10.000 =72.000 đồng.

 

Nguồn tin: Lao động

 Tags: nhà nước
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay3,957
  • Tháng hiện tại51,455
  • Tổng lượt truy cập41,232,056
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây