Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho biết, hai sản phẩm này là hóa chất được nhập vào Việt Nam chưa được kiểm định chất lượng cũng như chưa được Bộ KHCN cấp đăng ký sử dụng theo quy định về sử dụng phụ gia.
|
Ảnh minh họa |
Cục quản lý chất lượng hàng hóa hôm qua khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng viên tiết kiệm xăng và dung dịch tiết kiệm xăng, để hạn chế nguy cơ gây độc hại hoặc cháy nổ.
Theo các chuyên gia, việc sản phẩm lắp ráp vào xe có tiết kiệm được hay không cần có kiểm nghiệm khoa học. Chúng có thể sinh ra nhiều chất độc hại.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, thiết bị gọi là tiết kiệm xăng khó có thể làm giảm được tới 30% lượng tiêu thụ như quảng cáo. Nếu có cũng chỉ tiết kiệm nhiều nhất là 10% nhiên liệu.
Theo các chuyên gia, thay vì lắp đặt thêm thiết bị, việc tiết kiệm nhiên liệu có thể được thực hiện bằng kỹ thuật lái xe như chạy xe với tốc độ vừa phải, hạn chế việc tăng giảm tốc độ đột ngột, hạn chế phanh gấp, tắt máy khi dừng xe lâu, thưọng xuyên bảo dưỡng xe.
Tại Mỹ, cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA (Environmental Protection Agency), từng thử nghiệm một vài thiết bị tiết kiệm xăng nhưng hầu hết trong số chúng chỉ làm giảm một chút trong khi lại gây ra nhiều họng hóc cho động cơ hoặc tăng lượng chất độc trong khí thải.
Giá xăng tăng khiến nhiều người sử dụng tính đến phương án tiết kiệm xăng. Tại nhiều địa phương hiện nay xuất hiện viên tiết kiệm xăng, dung dịch tiết kiệm xăng, được quảng cáo là tiết kiệm 15-30% nhiên liệu khi cho vào bình xăng. Nhiều người đã mua và sử dụng bằng cách cho trực tiếp vào bình xăng ô tô, xe máy.
Ngoài "hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu", thiết bị này cũng được quảng cáo là có thể tăng công suất động cơ, giảm tiếng ồn, khí thải, giúp kéo dài tuổi thọ của xe.
PV (tổng hợp)