Tai nạn giao thông: Người chết vẫn...chưa ngừng

Chủ nhật - 16/06/2013 21:33 1.224 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Trong vòng 10 ngày đầu tháng 6, hơn 160 người chết, gần 290 người bị thương vì TNGT. “Tư lệnh” ngành GTVT như ngồi trên đống lửa. Cấp dưới báo cáo, cơ quan chức năng “làm đúng hết”, lỗi gây tại nạn được đổ lên đầu lái xe. Câu hỏi của Bộ trưởng “Tất cả làm đúng hết mà tai nạn vẫn xảy ra”, đã có câu trả lời từ thực tế.


Xe khách Mai Linh “bổ nhào” ở Quảng Nam, 3 người thiệt mạng, 23 người bị thương. Xe đã được kiểm định chuẩn, lái xe lạc tay lái có thể do ngủ gật. Xe đông lạnh trọng tải 5 tấn gây tai nạn, làm 6 người đi trên 2 xe máy tử vong ở Bà Rịa, lỗi được xác định là tài xế đua, còn xe khách chở giáo viên Đà Nẵng đi tham quan Đà Lạt, do mất phanh đâm vào vách núi, làm 7 người chết, 22 người bị thương,“tội” được đổ cho lái xe chưa quen đường...

Hầu hết, nguyên nhân gây tai nạn từ trước đến nay đều đổ lên đầu lái xe. Nào là phóng nhanh, vượt ẩu, ngủ gật...Lái xe người thì sống, người thì đã chết, dù gì đi chăng nữa thì “tội” do “ông tài” gây ra thì phải chịu trách nhiệm- những người khác vô can.

Bộ trưởng Thăng không thể không sốt ruột. Đảng, Chính phủ đã ban hành dăm bảy nghị quyết, đều tập trung vào nhiệm vụ chính là kiềm chế TNGT. Bình quân, một ngày vẫn có tới 30 người chết thì quả là một thảm họa, chưa kể số người bị thương còn gấp cả mấy chục lần số người chết. Gánh nặng của “hậu” TNGT đè nặng lên mỗi gia đình, mỗi số phận con người và cả xã hội.

Nội đô ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những vụ TNGT kinh hoàng mà có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới xảy ra: Xe ô tô cứ thẳng đường lao tới, đâm bay cả dòng người đang dừng trước tín hiệu đèn đỏ nơi ngã tư. Lái xe đổ cho rằng “lẫn” chân phanh và chân ga. Chuyện học lái qua quýt vẫn được cấp bằng không phải là chuyện hy hữu. Và những “tay lái” đã qua các trung tâm dạy lái xe thì hiểu hơn ai hết về sự qua quýt ấy. Có thời điểm mà các trung tâm rơi vào tình trạng quá tải, người học được phép “trôi nhanh” qua lý thuyết. Thực hành chỉ vòng qua dăm ba đường “cơ bản” là có tấm bằng.

Tại cuộc họp khẩn chiều 10.6, Bộ trưởng Thăng đặt câu hỏi về việc xem xét chất lượng đào tạo lái xe, ông Trần Bảo Ngọc-Vụ phó Vụ Tổ chức khẳng định chắc như “đinh đóng cột”: Công tác sát hạch rất chặt chẽ, trên xe sát hạch có gắn camera để chống gian lận. Kiểm tra tại các trung tâm sát hạch cho thấy, vi phạm giảm hơn so với các năm trước.

Ông Ngọc cũng đã “tiết lộ” một sự thật: Các cơ sở đào tạo lái xe thành lập mới rất nhiều, hiện cả nước có 330 cơ sở, riêng quý 1/2013 đã có 24 cơ sở mới. Nhiều cơ sở không đủ trang thiết bị...

Ngay cả việc kết luận vụ tai nạn của xe hãng Mai Linh ở Quảng Nam thì cũng đã có tới ba kết luận trái nhau của cơ quan chức năng. Thế rồi, nguyên nhân gây TNGT lại được xếp vào tủ hồ sơ. Số người bị TNGT sẽ không thể giảm, nếu cơ quan nào cũng “né” trách nhiệm thuộc phần mình.


PV

Ý kiến bạn đọc

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ XẢY RA TAI NẠN GIAO THÔNG
Trong thời gian vừa qua nguyên nhân xảy ra tai nạn lý do tài xế chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, chất lượng xe không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thấp kém, chất lượng các tuyến đường giao thông xuống cấp, đường ở miền núi quá hẹp, quanh co khuất tầm nhìn, cũng là nguyên nhân không đảm bảo an toàn trong giao thông gây ra các vụ tai nạn. Trong các tuyến đường bộ giao thông có nhiều làn xe khác nhau, bao gồm cả đường cao tốc, dải phân cách là khu vực phân chia hai làn xe có chiều giao thông ngược nhau.Tuy nhiên từ trước đến nay các tuyến đường quốc lộ như quốc lộ 1a, quốc lộ 14,26, 27 vv.. ở các khu vực miền núi, tây nguyên Bộ giao thông vận tải ít quan tâm đầu tư xây dựng dải phân cách giữa, qua theo dõi các vụ tai nạn xãy ra đa phần các xe va chạm đối đầu trực tiếp với nhau, nếu có dải phân cách giữa chắc chắn tình trạng sẽ được hạn chế. Đối với việc xử phạt xe khách vi phạm tốc độ. Hiện các xe khách đều được trang bị hộp đen để lưu trữ dữ liệu tốc độ của hành trình, các hãng xe khách còn sử dụng hệ thống định vị GPS để biết xe mình đang đi đến đâu. Vậy, ta nên kết hợp chúng lại với nhau. Nghĩa là mỗi xe sẽ được trang bị một thiết bị để kết nối với Công ty xe khách của mình, cũng đồng thời tự động kết nối với Tổng đài kiểm sóat của CSGT từng khu vực xe đi qua. Qua dữ liệu báo về hệ thống kiểm sóat, cán bộ CSGT trực từng tỉnh sẽ biết được thông tin về tốc độ, hành trình của xe thì CSGT sẽ biết được xe này hiện đang chạy đến đâu, chạy vuợt tốc độ bao nhiêu km/h, xe đã vi phạm lúc mấy giờ, ngày nào, đã vi phạm mấy lần trong suốt hành trình từ bến xe đi Bắc – Nam… Qua đó các chốt CSGT sẽ theo chỉ thị báo từ Tổng đài kiểm sóat của CSGT từng tỉnh mà dừng xe lại và xử lý phạt nguội. Quá trình xử lý và các thông tin sai phạm này sẽ báo về Công ty xe chủ quản để có biện pháp chế tài xử lý các tài xế xe này. Hồ sơ vi phạm của tài xế sẽ ghi nhận lại trong hệ thống (số bằng lái, số lần vi phạm, tái phạm, tên tuổi, số CMND…) tùy theo mức độ mà Cơ quan nhà nước có thể xử lý tước bằng lái vĩnh viễn, không cho thi cấp lại nữa vì đã tái phạm quá nhiều lần. Tuy nhiên Bộ giao thông vận tải cũng cần xem xét việc quy định hạn chế tốc độ như thế nào cho phù hợp, vì hiện nay trên tuyến đường quốc lộ quá nhiều điểm phải hạn chế tốc độ, CSGT thường xuyên bắn tốc độ. Qua phản ánh lái xe khách theo yêu cầu của chủ xe phải trả khách tại bến xe đúng thời gian quy định, do vậy những nơi không có biển hạn chế tốc độ và CSGT không bắn tốc độ, các lái xe đã tăng tốc để kịp thời gian về bến trả khách, với tốc độ quá lớn trời tối lái xe mất ngủ ,nên không làm chủ tốc độ dễ xãy ra tai nạn. Hiện nay trên các tuyến đường quốc lộ nhiều phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa rơi vãi nhiều trên đường, thậm chí nhiều xe bị chảy nhớt trên đường không được cơ quan tổ chức nào có trách nhiệm xử lý kịp thời nên cũng là nguyên nhân xãy ra tai nạn. Để khắc phục tình trạng trên, đề nghị Bộ giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ VN nên phân cấp cho các địa phương quản lý trong việc bảo dưỡng bảo trì các tuyến đường quốc lộ đi ngang qua địa phận của Tỉnh mình, vì hiện nay các tuyến đường quốc lộ trong cả nước đều do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Nếu được phân cấp về cho địa phương quản lý trong việc duy tu sửa chửa thì các Tỉnh sẽ chủ động trong việc sửa chửa khắc phục kịp thời các đoạn đường quốc lộ bị xuống cấp và chịu trách nhiệm công tác đảm bảo an toàn giao thông ở địa phương mình trước Chính phủ và Bộ giao thông. MINH TRÍ

Nguồn tin: tamnhin.net

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập181
  • Hôm nay5,146
  • Tháng hiện tại56,516
  • Tổng lượt truy cập41,124,319
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây