Thông tư 30: Hành xử cảm tính, thiếu sự phân hóa

Thứ tư - 25/05/2016 01:13 532 0
Thông tư 30 khi triển khai đã hình thành trong giáo viên và học sinh quan niệm và cách ứng xử theo cảm tính, không hướng tới sự phân hóa.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào - Trường Đại học sư phạm Hà Nội đưa ra nhận định của mình về việc triển khai Thông tư 30 sau 2 năm áp dụng.

1. Đặc điểm hoạt động học tập của học sinh tiểu học

Hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh tiểu học, thường được gọi là "Học tập". Học tập là thuật ngữ (là khái niệm) có thể viết có gạch nối giữa học và tập (học-tập).

Từ xa xưa, thuật ngữ học-tập, theo cách hiểu sâu sắc, đầy đủ, thì nghĩa chính đó là: để có được kiến thức kĩ năng nào đó thì học sinh, trước hết, học sinh phải học, liền sau đó là phải tập theo bài bản để có được kiến thức và kĩ năng. Nói cách khác là học đi liền với tập và tập để học được đầy đủ hơn.

Chính vì thế mà trong dạy và học ở tiểu học từ xa xưa các môn học đều có tên gọi bắt đầu bằng TẬP, như tập đọc, tập viết, tập là tính, tập hát...

Hoạt động học tập của học sinh ở mỗi lớp học và trên diện rộng có tính đồng loạt và cá thể, hay là tính phổ cập (tối thiểu) và phát triển (phân hóa) trên cơ sở chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu thống nhất.

Chuẩn là yêu cầu tối thiểu của một nền giáo dục ổn định, phát triển bền vững trên đó có sự phân hóa học sinh, có học sinh đạt chuẩn (đạt yêu cầu), có nhiều học sinh đạt kết quả cao hơn chuẩn (loại khá, loại giỏi).

Kêt qủa học tập của học sinh tiểu học là quá trình chuyển vào bên trong những nội dung học tập theo quy định được tồn tại trong nhân cách của các em trở thành vốn riêng và khi cần thiết được bộc lộ ra ngoài để chính các em và những người khác có thể nhận biết được. Những điều học sinh tiểu học lĩnh hội được thường lưu lại trong nhân cách và theo mỗi cá nhân suốt cả cuộc đời.

Thong tu 30: Hanh xu cam tinh, thieu su phan hoa

Triển khai Thông tư 30 tạo nên sự khó phân hóa trong học sinh

Các môn học ở tiểu học dành cho học sinh tiểu học có những môn có logic tường minh, như Tiếng Việt, Toán, các môn khoa học; có những môn học và hoạt động giáo dục không có logic tường minh, Hát-Nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục đạo đức lối sống.

2. Đánh giá kết quả học tập

Đánh giá kết quả học các môn học nói riêng và kết quả phát triển hình thành nhân cách nói chung của học sinh tiểu học là công việc tất yếu của quá trình học sinh được hưởng thụ giáo dục nhà trường.

Mục đích đánh giá:

- Biết được mỗi học sinh lĩnh hội được kiến thức và kĩ năng theo chuẩn đạt được ở mức độ nào (tham chiếu với chuẩn).

- Từ mức độ mà mình đạt được, mỗi học sinh thể hiện tính tích cực học tập theo chiều hướng, nếu kết quả tốt rồi thì tiếp tục duy trì, hoàn thiện, nếu chưa được tốt thì nỗ lực học tập để đạt kết quả tốt hơn, nghĩa là ở mỗi học sinh hình thành được động cơ học tập.

Nguyên tắc đánh giá:

- Đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện. Tính khách quan, khoa học là cơ sở đảm bảo sự chân thực, công bằng trong đánh giá từng học sinh và nhiều học sinh mà mỗi giáo viên trực tiếp dạy; tính toàn diện thể hiện qua đánh giá đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục.

- Đánh giá bằng định lượng là sự đo lường, được tham chiếu với các tiêu chí, chuẩn quy định mà không phụ thuộc vào cảm của con người; đánh giá bằng định tính là sự đánh giá bằng lời nhận xét trên cơ sở nhận biết về kết quả học tập, tu dưỡng của học sinh bằng sự tinh tế nghề nghiệp và kinh nghiệm của giáo viên (trong định tính cũng có định lượng).

Đánh giá bằng định lượng và định tính kết hợp, bổ sung cho nhau gíup cho giáo viên nhận biết, đánh giá học sinh được đầy đủ, thỏa đáng hơn.

- Định hướng phát triển, hình thành động cơ học tập, không làm trẻ tổn thương, không để lại dấu ấn tiêu cực trong mỗi học sinh.

Nội dung đánh giá: theo nội dung cơ bản của các lĩnh vực giáo dục cụ thể. 

Cách đánh giá:

- Đánh giá bằng định lượng: phân loại dùng kí hiệu hoặc điểm số đối với những môn học có logic tường minh, có chuẩn kiến thức, kĩ năng, như Toán, Tiếng Việt, khoa học, ngoại ngữ.

- Đánh giá bằng định tính: bằng lờ nhận xét ngắn gọn có tính chỉ dẫn, động viên khích lệ, định hướng.

- Đánh giá thường xuyên: Đánh giá trong suốt cả quá trình học tập của học sinh.

- Đánh giá định kì: tùy theo điều kiện và yêu cầu giáo dục mà thực hiện kiểm tra theo định kì, có thể theo từng tháng, học kì hoặc theo từng đơn vị nội dung chính của từng môn học.

Kết hợp hai hình thức đánh giá này cho giáo viên và học sinh có được nhận định đầy đủ, thỏa đáng cả quá trình và kết quả học tập của mỗi học sinh.

Sử dụng kết quả đánh giá:

Kết quả định lượng và định tính được sử dụng hữu ích, có ý nghĩa đối với các chủ thể của nhà trường, trước hết là học sinh, kế đến là giáo viên và các bậc cha mẹ.

Đặc biệt, đối với học sinh, đánh giá cũng là học, học về sự nhìn nhận kết quả, về yêu cầu (chuẩn tham chiếu), về điểm mạnh, điếm còn yếu của bản thân, hình thành động cơ học tập, tinh thần trách nhiệm trong học tập học tập.

3. Đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học

Trước khi có Luật PCGDTH, theo truyền thống, học sinh được đánh giá bằng điểm số (thang điểm 10) theo từng môn học, theo từng tháng, từng học kì. Điểm của từng môn học được tính trung bình cộng theo từng tháng, từng học kì và cả năm học.

Căn cứ vào điểm số, học sinh được xếp loại học lực theo thứ tự từ nhất lớp (số 1) đến cuối lớp (số cuối cùng của lớp).

Thập niên 90 của thế kỉ XX (từ 1994 đến 2002) việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từng bước được cải tiến, thực hiện đánh giá bằng định lượng (với những môn học có logic tường minh) và định tính (với những môn học và hoạt động giáo dục thuộc lĩnh vực nghệ thuật, đạo đức lối sống, hoạt động ngoại khóa.

Đánh giá theo thông tư 30, được triển khai áp dụng trong thực tiễn dạy học ở tất cả các trường tiểu học qua 2 năm đã bộc lộ những điểm bất cập, đó là:

- Kết quả học tập, tu dưỡng của học sinh không được định lượng, không biết mức độ đạt được khi tham chiếu với chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu cần cơ bản.

- Hình thành trong giáo viên và học sinh quan niệm và cách ứng xử theo cảm tính, không hướng tới sự phân hóa.

- Thiếu tác nhân kích thích hình thành nhu cầu, động cơ học tập của học sinh và động lực dạy của giáo viên.

Cần thay Thông tư 30 theo hướng kết hợp định lượng và định tính theo những nguyên tắc nhất định.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào

Nguồn tin: baodatviet

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay2,287
  • Tháng hiện tại2,287
  • Tổng lượt truy cập41,976,373
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây