Nêu đích danh một số vụ án tham nhũng từ Nam chí Bắc, cử tri Nguyễn Hồng Toán cho rằng, nếu chúng ta không tiếp tục nghiêm minh với tham nhũng thì không thể ngăn chặn được tình trạng cán bộ thoái hóa, biến chất. Cử tri phường Yên Phụ - bà Nguyễn Thị Hòa - cũng nêu cụ thể một số vụ việc tham nhũng “trắng trợn”, trong khi tại cơ quan tiếp dân thì “đơn tố cáo một kiểu, trả lời một kiểu” khiến người dân càng bức xúc.
Cử tri Trần Thị Oanh thì đặt vấn đề trước những bộ phim lịch sử tốn kém 20 tỉ đồng song không ai chịu trách nhiệm. Đến nay lại có một phim lịch sử nữa, cũng gây lãng phí tới 21 tỉ đồng. Bà đề nghị phải xem xét trách nhiệm quản lý. Rồi chuyện việc làm vẫn cứ thiếu; thiếu lao động tay nghề cao khiến nhà đầu tư nước ngoài không tuyển được lao động Việt Nam, mà phải đưa lao động nước ngoài vào.
Tổng Bí thư khẳng định không ai bật đèn xanh cho hành động tham nhũng, lãng phí. Lấy ví dụ việc kê khai tài sản như một biểu hiện của việc kiên quyết đấu tranh với sai phạm, Tổng Bí thư nói: Chúng ta cũng rất muốn nhanh nhưng còn có nhiều công đoạn, như giám định, kê khai, xác minh có đúng hay không.... Tổng Bí thư cho rằng, biện pháp để phòng, chống tham nhũng này cũng phải xem xét trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là liên quan đến Hiến pháp về quyền sở hữu tài sản, quyền bí mật thông tin cá nhân. “Phải làm sao để xây dựng cơ chế không thể tham nhũng được, không dám tham nhũng” - một lần nữa Tổng Bí thư tái khẳng định mục tiêu của cuộc chiến chống tham nhũng.
Về công tác cán bộ, cử tri phường Cống Vị - ông Đặng Tài Tính - phát biểu xung quanh công tác quản lý cũng như phẩm chất đạo đức cán bộ bằng cái tên cụ thể là cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Theo ông, những trường hợp như vậy đã khiến người dân mất lòng tin vào đội ngũ cán bộ.
“Chúng ta không chấp nhận những người nói yêu nước song thực tế thì lại tham nhũng, làm mất lòng tin của dân”. Theo ông, cần xem lại vấn đề bố trí, sắp xếp và quản lý cán bộ từ T.Ư đến địa phương. Có nơi vừa làm cán bộ chưa được bao lâu thì đã lên T.Ư và ngược lại, từ T.Ư đưa về địa phương, song chưa “ấm chỗ” thì đã rút về T.Ư. Chỉ đưa về 2 năm để có thực tế thì quá ngắn, chưa đủ trải nghiệm.
Giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến vai trò của đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý. “Lần đầu tiên chúng ta mở mấy lớp dự nguồn cán bộ rồi cho luân chuyển xuống địa phương”. Theo Tổng Bí thư, việc này là nhằm chống cục bộ, chống tình trạng địa phương chủ nghĩa, đồng thời khẳng định việc đưa cán bộ về địa phương không phải để cho có, mà phải đầy đủ 3 năm và không phải ai đi về địa phương cũng được lên chức. Không phải cốt xuống để lấy “mác”, mà đi để lấy kinh nghiệm.