Hội Nghề cá Việt Nam chính thức có văn bản phản đối hành động đơn phương phi lý của phía Trung Quốc.
Theo Hội nghề cá, Tân Hoa xã dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ đơn phương “ngăn chặn các hoạt động khai thác tài nguyên biển trong mùa sắp tới” ở Biển Đông.
“Hành động đơn phương cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông nêu trên đã được diễn ra nhiều năm, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, dẫn đến sản lượng khai thác hải sản bị giảm sút và thua lỗ” – Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam ông Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.
Ngư dân Quảng Ngãi đang đánh bắt cá ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: Báo NLĐ |
Hành động này phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động đơn phương, hết sức phi lý và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc. Quyết định trên của phía Trung Quốc là vô giá trị.
Hội Nghề cá cũng bày tỏ mong muốn và kính đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu, sớm ngăn chặn, chấm dứt hành động trên của Trung Quốc đồng thời cần thường xuyên có lực lượng tàu chấp pháp trên biển để tăng cường công tác bảo vệ ngư dân Việt Nam khi bị phía Trung Quốc uy hiếp, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm sản xuất trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Thời gian gần đây Trung Quốc liên tiếp gia tăng các hoạt động gây hấn trên khu vực biển Đông. Cụ thể, mới đây, Reuters đưa tin, đội tàu cá ở một thị trấn cảng tại đảo Hải Nam được huấn luyện quân sự, trợ cấp mọi thứ, kể cả nhiên liệu để thực hiện cái gọi là “lực lượng dân quân biển” tiến ra Biển Đông.
Hãng tin này dẫn lời quan chức Hải Nam, các nhà ngoại giao khu vực rằng, chương trình huấn luyện đội tàu nói trên còn bao gồm các hoạt động diễn tập trên biển, kỹ năng thu thập thông tin về tàu nước ngoài.
"Dân quân biển đang không ngừng mở rộng vì Trung Quốc muốn các ngư dân tham gia bảo vệ lợi ích quốc gia”, một cố vấn cho chính quyền Hải Nam nói.
Tuy nhiên, lực lượng này cũng làm gia tăng nguy cơ xung đột với hải quân nước ngoài tại vùng biển chiến lược.
Theo cố vấn chính quyền Hải Nam, lực lượng quân sự cấp thành phố đảm nhận nhiệm vụ cung cấp, huấn luyện quân sự cho ngư dân Trung Quốc.
Trước đó không lâu, ngày 3/4, giàn khoan Hải Dương-981 của nước này cũng bắt đầu di chuyển về hướng đông nam, hoạt động tại hai giếng Lăng Thủy 31-1-1 và Lăng Thủy 25-2-1. Đây là lần thứ 3 Trung Quốc đưa giàn khoan trên trở lại Biển Đông kể từ tháng 5/2014.
Khu vực mà giàn khoan này tác nghiệp, theo xác định của các cơ quan chuyên trách Việt Nam, hoàn toàn nằm trong vùng chồng lấn ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Phản ứng trước động thái trên, ngày 7/4/2016 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Hải Bình kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi khu vực trên, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, đồng thời có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Trong khi đó, Reuter dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi biện minh rằng: “Hoạt động của giàn khoan này nằm ở vùng biển không tranh chấp của Trung Quốc. Đây là hoạt động khoan thăm dò thương mại bình thường”. Ông Lỗi còn lớn tiếng kêu gọi: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có cái nhìn khách quan và hợp lý về vấn đề này".
Tú Nhi (Tổng hợp)
Nguồn tin: Thanhnien