Trong thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện Philippines nước này (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) ở Biển Đông, giới chức Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm sự ủng hộ trên khắp thế giới.
Trong hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 7 Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Ả Rập ngày 12/5, Trung Quốc đã tìm cách "chèn" quan điểm của nước này về Biển Đông vào chương trình nghị sự và hội nghị này đã ra Tuyên bố Doha.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Algeria gặp gỡ ngày 11/5/2016. Ảnh: Tân Hoa xã |
Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/5 nói rằng, Tuyên bố Doha khẳng định các nước Ả Rập ủng hộ Trung Quốc và các nước liên quan căn cứ vào các thỏa thuận song phương và đồng thuận liên quan của khu vực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị, giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hàng hải.
Các bên "cần tôn trọng quyền tự lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp mà các nước có chủ quyền và các nước ký kết UNCLOS được hưởng".
Tờ Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 14/5 bình luận, tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là một tiến trình "rất quan trọng", cho thấy Trung Quốc "không bị cô lập", thậm chí còn nhận được sự "ủng hộ của rất nhiều nước" trong vấn đề Biển Đông.
Trước đó, Nga, nước đang bị phương Tây tăng cường cô lập, đã quay sang ủng hộ Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã lôi kéo được Gambia ở châu Phi và Fiji ở nam Thái Bình Dương hùa theo tiếng nói của mình. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tăng cường "chạy đua" đến gặp các lãnh đạo Brunei, Campuchia và Lào. Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng vừa thăm Malaysia và Indonesia.
Sau Tuyên bố Doha lần này, Trung Quốc công bố là đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 40 nước.
Một mặt ráo riết vận động các nước ủng hộ mình trong vấn đề Biển Đông, thậm chí dùng nhiều chiêu bài, đổi chác khác nhau để có được sự ủng hộ đó, mặt khác Trung Quốc mạnh miệng tố ngược Mỹ phô trương sức mạnh quân sự trên Biển Đông.
Theo đó, hôm 15/5, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân bày tỏ “sự bất mình mạnh mẽ” và “cực lực phản đối” báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo ông Dương Vũ Quân, báo cáo này đã làm “tổn hại nghiêm trọng sự tin cậy lẫn nhau” khi “thổi phồng quá mức” mối đe dọa và sự thiếu minh hoạch trong các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Ông này còn bao biện rằng, “chính sách quốc phòng của Trung Quốc là mang tính phòng thủ” và rằng Mỹ đã “không công bằng” trong việc mô tả các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Chối bỏ tất cả những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Dương Vũ Quân đánh lạc hướng chú ý bằng cách tố ngược Mỹ đang phô trương sức mạnh quân sự thông qua việc thường xuyên điều tàu chiến và máy bay tới vùng biển này.
Mặc dù cộng đồng quốc tế đã có những bằng chứng không thể chối cãi về nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng ông Dương Vũ Quân tiếp tục luận điệu quen thuộc thường thấy khi biện bạch rằng, các công trình mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nước này bồi lấp trái phép ở Biển Đông là nhằm mục đích dân sự và giúp Bắc Kinh thực hiện nghĩa vụ quốc tế, đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc có kế hoạch tăng cường đáng kể cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
An Nhiên (Tổng hợp)
Nguồn tin: baodatviet