Vi phạm hành chính: Vẫn áp dụng luật cũ?

Thứ năm - 27/06/2013 03:06 976 0
Có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng do chưa kịp ban hành nghị định hướng dẫn nên ít nhất 2 - 3 tháng nữa, Luật Xử lý vi phạm hành chính mới đi vào cuộc sống
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết bộ vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về tiến trình xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, hầu hết các nghị định được giao cho các bộ, ngành xây dựng đều chưa xong để kịp có hiệu lực từ ngày 1-7 tới.
 
Sau ngày 1-7, mức xử phạt vi phạm giao thông vẫn áp dụng luật cũ.
Trong ảnh: CSGT xử phạt xe vi phạm trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP HCM
Ảnh: TẤN THẠNH

Xài luật cũ thêm 2 - 3 tháng

Để hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ phải xây dựng 56 nghị định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Tư pháp mới có công văn thông báo hoàn tất thẩm định hơn 30 nghị định. “Khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được thông qua, các bộ, ngành đã rất cố gắng trong việc xây dựng những nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, việc xây dựng, thẩm định cần được làm kỹ càng, cẩn trọng thì chậm một chút cũng là điều nên làm” - bà Thoa biện hộ.

Theo bà Thoa, có nhiều dự thảo nghị định gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định đưa ra những mức phạt vô lý, không phù hợp với thực tiễn nên phải yêu cầu làm lại. Điển hình là dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt do Bộ GTVT soạn thảo, dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình của Bộ Công an...

Dự kiến, trong cuộc họp Chính phủ vào ngày 27 và 28-6, vấn đề chậm trễ này sẽ được đưa ra bàn thảo. Sau đó, Chính phủ sẽ có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin tiếp tục được thực hiện theo các quy định hiện hành nhưng trên tinh thần không quá tải với người dân và quy định cũ không trái với Luật Xử lý vi phạm hành chính. “Có thể phải tới tháng 9, 10-2013, tất cả các nghị định hướng dẫn này mới chính thức có hiệu lực” - bà Thoa cho biết.

Người dân dễ bị thiệt

Ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết bộ được Chính phủ giao xây dựng 6 nghị định. Không chỉ Bộ Công an mà tất cả các bộ, ngành đều bị chậm tiến độ do khối lượng công việc lớn và không dự liệu hết được những khó khăn. “Việc ghép các nghị định vào với nhau, nội dung xử phạt, mức phạt thay đổi nên có rất nhiều vướng mắc phải tháo gỡ” - ông Quân lý giải.

Trong khi đó, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ GTVT cho biết dù nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt không kịp có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng việc áp dụng quy định xử phạt trong Nghị định 34 và Nghị định 71 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 34) hiện hành cũng không đáng lo ngại vì mức phạt ở tất cả các hành vi vẫn chưa vượt khung phạt quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, vị này cho rằng CSGT phải linh hoạt trong việc áp dụng. Bởi lẽ, từ ngày 1-7, việc tước giấy phép lái xe không thời hạn sẽ được bãi bỏ và chuyển thành tước giấy phép lái xe có thời hạn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết chuyện “luật treo” chờ nghị định sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và cả nhà nước. Điển hình như việc dự thảo nghị định do Bộ GTVT soạn thảo đã rút bớt hành vi vi phạm giao thông bị tạm giữ xe nhưng theo quy định hiện hành thì có khá nhiều lỗi bị giữ xe. Trong khi đó, điều kiện trông giữ xe lại hạn chế, phơi mưa phơi nắng, gây hư hỏng phương tiện.

“Từ ngày 1-7, nếu người dân, doanh nghiệp vi phạm nhưng tới khi nghị định mới hướng dẫn có hiệu lực mà việc giải quyết, nộp phạt vẫn chưa xong thì sẽ giải quyết thế nào, áp dụng mức phạt mới hay cũ? Theo nguyên tắc áp dụng luật là không hồi tố và như thế sẽ nảy sinh những tranh cãi” - ông Hậu băn khoăn.
 

Kiến nghị không thu tiền làm lại CMND mới

Ông Trần Thế Quân cho biết trong tờ trình kèm dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 170/2007 về chứng minh nhân dân (CMND) mới gửi Chính phủ xem xét phê duyệt, Bộ Công an đã đề xuất miễn phí đối với những trường hợp đã được cấp CMND mới có họ tên cha mẹ nếu họ đi làm thủ tục đổi lại.
 
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng thì ngân sách cũng nên bỏ ra một khoản tiền nhỏ để miễn phí cho những người muốn đổi lại CMND không có tên cha mẹ” - ông Quân nói.
 

Ngoài Luật Xử lý vi phạm hành chính, từ ngày 1-7, 8 luật khác có hiệu lực: Luật Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thủ đô, Luật Luật sư sửa đổi, Luật Quản lý thuế sửa đổi, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Điện lực sửa đổi, Luật Xuất bản, Luật Hợp tác xã sửa đổi

THẾ KHA

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay4,049
  • Tháng hiện tại75,814
  • Tổng lượt truy cập41,256,415
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây