Xã Đắk Nia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Thứ hai - 18/01/2016 02:43 805 0
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị “Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của nhân dân.

Hoạt động lễ hội ở xã Đắk Nia đều có sự tham gia tích cực từ cộng đồng

Theo bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia thì toàn xã hiện có 2.098 hộ, với hơn 8.825 nhân khẩu, gồm 16 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi tộc người đều có phong tục, tập quán riêng biệt. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải động viên, khuyến khích giữ gìn, phát huy những nét văn hóa tốt đẹp và vận động xóa bỏ những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp.

Theo đó, năm 2010, xã đã xây dựng và ban hành Quy chế về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Với sự tham mưu của cấp cơ sở, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, UBND xã cũng hướng dẫn các thôn, bon bổ sung, hoàn chỉnh quy ước, hương ước cho phù hợp yêu cầu phát triển của đời sống xã hội. Đến nay, 13/13 thôn, bon trong xã đều có hương ước; trong đó đều có những quy định cụ thể về thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội.  

Điều đáng ghi nhận là từ khi thực hiện quy định về nếp sống văn minh trong cưới hỏi, ma chay, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã bớt vất vả trong việc lo các hủ tục, vừa tiết kiệm kinh tế lại vừa xây dựng nét đẹp trong đời sống văn hóa.

Cụ thể, nếu như trước đây, với người Mạ, lễ cưới thường được tổ chức 3 ngày liền ở nhà gái; cưới xong đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà 7 ngày, không được ra khỏi nhà, tránh gặp người lạ…, nhưng hiện nay những tục lệ trên đã bị loại bỏ.

Đặc biệt, xu hướng đơn giản hóa các thủ tục trong tổ chức lễ cưới ngày càng phổ biến, bảo đảm vui tươi, tiết kiệm, phù hợp điều kiện của từng gia đình, địa phương. Nạn tảo hôn không còn, thanh niên nam nữ đến tuổi lập gia đình đều đến trụ sở UBND xã để đăng ký kết hôn và việc trao giấy chứng nhận kết hôn cũng được thực hiện đúng theo quy định của luật Hôn nhân và Gia đình. Trong ngày cưới, bà con cũng thường mặc trang phục truyền thống, tạo nét đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Ông K’Wơn ở bon Bu Sốp cho biết: “Trước đây, nhà nào tổ chức cưới cũng rất tốn kém, việc thách cưới, trả lễ phải mất đến 1-2 con bò hoặc vài con lợn béo. Tiệc thiết đãi bà con kéo dài vài ngày nên nhiều gia đình sau khi có việc cưới xong phải “còng lưng” trả nợ. Cái khó, cái khổ cũng từ đó mà ra. Từ ngày thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, người dân đã hiểu và bỏ dần các thủ tục lạc hậu, tệ thách cưới không còn, việc trả lễ không nặng về lễ vật như trước đây”.

Còn bà H’Bích ở bon N’Jriêng cũng cho hay: “Nhờ sự vào cuộc của chính quyền các cấp mà đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Lễ cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm chi phí nên ai cũng vui mừng và cố gắng thực hiện theo đúng quy định của địa phương”.

Việc tang ma cũng được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Do đó, mỗi khi gia đình nào có người qua đời đều đến chính quyền khai báo và làm giấy khai tử. Các đám tang đều có ban lễ tang phối hợp cùng gia đình tang chủ tổ chức các nghi thức nghiêm trang, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm. Người chết không để trong nhà quá 48 giờ và được mai táng đúng quy định, vừa bảo đảm hợp vệ sinh vừa thể hiện được tình cảm của người sống với người đã khuất.

Cùng với đó, việc tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng được thực hiện một cách hài hòa cả phần lễ và phần hội. Nhiều nghi thức lễ hội truyền thống được phục dựng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, đi cà kheo, bịt mắt đánh chiêng, kéo co… được tổ chức đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.

Tại các lễ hội, công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn giao thông luôn được chính quyền quan tâm chỉ đạo thông qua việc thành lập tiểu ban an ninh trật tự, tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, góp phần ngăn chặn kịp thời các hoạt động mê tín, các hành vi trộm cắp… Nhờ vậy đến nay, xã đã có 8/13 thôn, bon được công nhận văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80%.

Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 27, địa phương đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hương ước, quy ước khu dân cư, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong thời kỳ mới, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại56,760
  • Tổng lượt truy cập41,237,361
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây