Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ), Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy, xe máy điện (gọi tắt là xe máy) đã được 4 bộ (Khoa học - Công nghệ, Công Thương, Công an, GTVT) ký thông qua và dự kiến có hiệu lực từ giữa tháng 4.
Tiêu hủy mũ bảo hiểm kém chất lượng ở TP Đà Nẵng Ảnh: HOÀNG DŨNG
Lưu ý cả cách đội
Quy định mới được kỳ vọng sẽ quản chặt, xử nghiêm đối với vấn đề gây bức xúc dư luận suốt một thời gian dài khiến số vụ chấn thương sọ não sau khi xảy ra tai nạn giao thông tăng lên rất cao.
Trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe máy đội mũ không phải MBH thì sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội MBH hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách. Trong Nghị định 71/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 71 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến (dự kiến ban hành vào tháng 7-2013), hành vi này bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng.
Mũ bảo hiểm không đúng chuẩn được bày bán ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
“Đánh” vào ý thức
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 4 bộ liên quan sẽ triển khai một đợt tuyên truyền rộng khắp về các nội dung trong Thông tư 06 từ ngày 15-3 đến 15-4 để người dân nắm được quy định và tự giác sử dụng MBH đạt chuẩn, sau đó sẽ phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, một cán bộ của Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho biết trong chức năng của lực lượng CSGT không có chỗ nào nói tới việc phát hiện, xử phạt MBH không đủ tiêu chuẩn nên lực lượng CSGT sẽ chỉ kiểm tra, xem xét xử phạt đối với lỗi này khi người lưu thông trên đường vi phạm một lỗi khác, buộc phải dừng xe.
Một thành viên ban soạn thảo nói Thông tư 06 ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các bên liên quan từ sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tới sử dụng MBH. Việc kiểm soát chặt chẽ những đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH đạt tiêu chuẩn là phần gốc, còn phần ngọn chính là xử phạt hành vi của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng có ý thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và người thân thì sẽ không bao giờ đi mua những chiếc mũ dỏm, chỉ có giá vài chục ngàn đồng.
Chi ngân sách hỗ trợ người dân Thu giữ gần 2.000 mũ bảo hiểm kém chất lượng Ngày 4-3, trung tá Bùi Chí Hòa, Phó trưởng Phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng, cho biết gần một năm triển khai chương trình kiểm tra chất lượng MBH trên đường phố, đến nay Đà Nẵng đã thu giữ và hủy bỏ gần 10.000 MBH kém chất lượng, hàng vạn người dân đã mang MBH kém chất lượng đến đổi mũ đúng tiêu chuẩn mà UBND TP Đà Nẵng trợ giá. Nếu người dân tham gia giao thông đội MBH kém chất lượng sẽ bị lực lượng công an dừng xe để kiểm tra và thu hồi, phá hủy tại chỗ, sau đó mời mua lại MBH đạt chất lượng. Để người dân “tâm phục khẩu phục”, các ngành chức năng ở Đà Nẵng đặt sẵn một chiếc máy kiểm tra chất lượng MBH. Sau kiểm tra, phát hiện thực sự MBH là kém chất lượng thì người sử dụng sẽ được đổi ngay MBH đạt chất lượng với giá chỉ 100.000 đồng/cái. Chương trình được người dân hết sức ủng hộ. Cùng ngày, tại Hải Phòng, Cục QLTT - Bộ Công Thương đã phối hợp Chi cục QLTT TP Hải Phòng ra quân kiểm tra, xử lý MBH nhái, giả tại 3 quận nội thành là Lê Chân, Hồng Bàng và Ngô Quyền. Kết quả đã thu giữ gần 2.000 MBH kém chất lượng. Ông Trịnh Quang Ngọc, Trưởng Phòng Chống hàng giả, tổ trưởng tổ chuyên đề kiểm tra MBH, Cục QLTT, cho biết thời gian tới, Cục QLTT sẽ phối hợp Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Khoa học - Công nghệ để kiểm tra, xử lý tận gốc tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH không bảo đảm chất lượng. H.Dũng - Tr.Đức |